10 LỜI KHUYÊN ĂN UỐNG HỢP LÝ CHO BỆNH NHÂN BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH

09/09/2022
Tin về các bệnh hô hấp
Lượt xem: 324

          Cô bác mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường có khuynh hướng bị suy dinh dưỡng vì nhu cầu năng lượng của cơ thể vượt quá sự cung cấp thức ăn. Phần lớn cô bác rất dễ mệt trong khi ăn và sau khi ăn nên cô bác thường ăn rất ít. Mười biện pháp sau đây giúp cho cô bác có thể ăn uống được nhiều hơn, đầy đủ năng lượng hơn và cảm thấy ngon miệng hơn.

 

           Ăn 5 – 6 bữa ăn nhỏ thay vì 3 bữa ăn lớn mỗi ngày. Dạ dày của chúng ta nằm bên cạnh phổi nên khi dạ dày chứa nhiều thức ăn sẽ đè ép lên phổi làm cho cô bác dễ bị mệt sau khi ăn. Vì vậy, để tránh tình trạng căng dạ dày dễ làm mệt nhưng vẫn có đủ năng lượng cần thiết cho cơ thể, cô bác nên ăn ít và ăn nhiều lần trong ngày.

 

          Ăn điểm tâm sớm và đầy đủ năng lượng để có thể tập vận động tốt và tiếp theo sau bởi những bữa ăn khác cho đủ năng lượng cần thiết.

 

          Ăn trong trạng thái thoải mái, tinh thần thư giãn, giúp bữa ăn ngon miệng hơn. Tránh ăn vội vã sẽ làm nuốt khí vào bụng gây cảm giác căng bụng dễ gây mệt.

Chọn thức ăn dễ tiêu, dễ chế biến, hình thức hấp dẫn kích thích sự thèm ăn. Nếu cô bác sống đơn độc và phải tự nấu nướng, nên tránh các món ăn cầu kỳ, mất nhiều công phu. Tận dụng các loại thức ăn chế biến sẵn để không mất nhiều năng lượng, công sức cho bữa ăn.

 

          Không nên ăn nhiều những loại thức ăn ít có năng lượng hoặc cung cấp năng lượng quá ít so với thể tích thức ăn như cốm phồng, bắp rang, nộm gỏi…Các loại thức ăn này làm mau no, dạ dày căng phồng dễ mệt nhưng năng lượng đưa vào cơ thể không đủ.

 

          Tránh dùng các đồ uống có gas hoặc thức ăn dễ sinh hơi như: táo, bắp cải, su bông, dưa hấu, đậu nành, bia…Cũng tương tự như trên, các loại thức ăn này thường tạo ra hơi trong dạ dày làm dạ dày căng phồng khiến cho cô bác dễ mệt.

 

          Nên chú ý bổ sung các loại thức ăn có chứa nhiều chất can – xi, phốt – pho và ka – li (xem bài Điều chỉnh dinh dưỡng ở bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính) vì cơ thể cô bác thường dễ bị thiếu các chất này do bệnh lý cũng như do dùng các loại thuốc giãn phế quản kéo dài. Thiếu các chất này thường làm cho cô bác dễ mỏi mệt khi vận động hoặc làm công việc hàng ngày.

 

          Tránh ăn nhiều các loại thức ăn quá ngọt thường gây mệt sau khi ăn vì tạo ra nhiều thán khí (khí các – bô – níc) trong phổi. Khí các bo nic ứ đọng nhiều trong phổi thường làm cho cô bác dễ bị mệt vì thiếu oxy. Tuy nhiên, ngoại trừ các cô bác có mắc bệnh tiểu đường đi kèm, người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính vẫn có thể dùng các loại thức ăn có lượng đường vừa hoặc ít chứ không cần kiêng cữ quá mức.

 

          Đối với một số cô bác phải thở Oxy dài hạn tại nhà, nên thở Oxy cả trong khi ăn. Động tác nuốt thường làm thiếu oxy vì phải ngưng thở ngắn lúc nuốt, ngoài ra quá trình tiêu hóa của dạ dày cũng cần khá nhiều năng lượng và oxy. Những cô bác không thở oxy dài hạn nhưng thường bị mệt trong khi ăn cũng nên thở oxy khi ăn.

 

          Trong lúc ăn nên ngồi thẳng người trong tư thế thỏai mái giúp phổi và dạ dày làm việc dễ dàng, tránh tư thế nằm hoặc ngồi dựa ra phía sau. Nên nghỉ ngơi sau khi ăn giúp cho dạ dày tiêu hóa thức ăn mà không đòi hỏi nhiều oxy.

        Tóm lại, với mười biện pháp dinh dưỡng hợp lý nêu trên sẽ giúp cho cô bác ăn uống dễ chịu hơn, ngon miệng hơn, có chất lượng cuộc sống tốt hơn, cơ thể khỏe mạnh hơn, thuận tiện hơn khi tập vận động và cơ thể có nhiều khả năng đề kháng chống lại nhiễm trùng và bệnh tật khác …

 

Chia sẻ

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Ung thư phổi là gì? Nguyên nhân bắt nguồn từ đâu?

Ung thư phổi là bệnh lý ác tính phổ biến hàng đầu tại Việt Nam cũng như thế giới. Theo thống kê, bệnh này đứng thứ 2 về tỷ lệ mắc mới và có tỷ lệ tử vong cao nhất trong số các bệnh ung thư trên toàn cầu. Trong bài viết hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về khái niệm cùng những nguyên nhân gây ung thư phổi điển hình. Mời bạn đọc tham khảo nhé!

CẦN LÀM GÌ KHI LÊN CƠN HEN SUYỄN CẤP TẠI NHÀ?

Nếu bạn đang lên cơn hen và có những triệu chứng như trên thì bạn cần phải đến phòng cấp cứu của bệnh viện gần nhất. Không nên tự đến bệnh viện một mình, hãy đi cùng với người thân hoặc bạn bè. Nếu ở một mình, hãy gọi số điện thoại cấp cứu để được chở đến bằng xe của bệnh viện.

KỸ THUẬT SỬ DỤNG BÌNH XỊT KÈM VỚI BUỒNG HÍT

Buồng hít (hoặc buồng đệm) là gì? Buồng hít (hoặc buồng đệm) là gì?

KỸ THUẬT SỬ DỤNG BÌNH XỊT HEN SUYỄN

Bình xịt là dụng cụ dùng khá phổ biến trong điều trị bệnh hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Nguyên tắc cấu tạo của bình xịt là dùng một chất đẩy thuốc (tương tự như các dụng cụ gia đình như xịt muỗi, xịt phòng) để tạo ra luồng phun gồm những hạt nhỏ li ti sau mỗi lần bóp thuốc và đưa một liều thuốc đã định lượng vào phổi bạn.

BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH VÀ THUỐC LÁ

Tình hình hút thuốc lá trên thế giới và trong nước

SUY DINH DƯỠNG Ở BỆNH NHÂN BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH

Từ xưa đến nay, ông bà ta đã biết rằng dinh dưỡng là một trong những phương pháp cần thiết để giữ gìn sức khỏe, khắc phục bệnh tật, kéo dài tuổi thọ. Đối với những người phải chịu đựng những bệnh tật khác nhau, dinh dưỡng còn là một biện pháp hỗ trợ giúp tăng cường sức khỏe làm cho căn bệnh phục hồi nhanh chóng hơn. Còn đối với một số căn bệnh được gọi là “mãn tính” tức là kéo dài rất nhiều năm cho đến cuối đời như bệnh tiểu đường, cao huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính…, biết cách dinh dưỡng hợp lý không chỉ có tác dụng hỗ trợ mà còn được xem là một biện pháp điều trị cần thiết giúp cho người bệnh có thể “sống chung hòa bình” với căn bệnh. Đặc biệt đối với bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, điều chỉnh dinh dưỡng được xem là một trong biện pháp điều trị không dùng thuốc có vai trò quan trọng trong việc tăng cường chất lượng cuộc sống của người bệnh.    

ĐẶT LỊCH NGAY

BS Oanh

 Thứ 2, Thứ 3, Thứ 5, Thứ 6: 18 – 20g

Thứ 7: 7g30 – 9g30

 

BS Trí

Thứ 4: 18 - 20g

 

HOTLINE LIÊN HỆ: 0908 120 626