Ung thư phổi - Triệu chứng, làm sao để định bệnh và cách phòng tránh

Ung thư phổi - Triệu chứng, làm sao để định bệnh và cách phòng tránh
Ngày đăng: 29/07/2024 04:10 PM

Ung thư phổi là một trong những loại ung thư nguy hiểm và phổ biến nhất trên thế giới, gây ra hàng triệu ca tử vong mỗi năm. Nhận diện các triệu chứng ban đầu của ung thư phổi có thể giúp phát hiện bệnh sớm và tăng cơ hội điều trị thành công. Tuy nhiên, triệu chứng của ung thư phổi thường không rõ ràng ở giai đoạn đầu, dẫn đến việc nhiều người bệnh chỉ được chẩn đoán khi bệnh đã tiến triển nặng. Vậy làm sao để định bệnh ung thư phổi một cách chính xác và hiệu quả? Và có những biện pháp nào để phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này? Bài viết này sẽ cung cấp những thông tin chi tiết, giúp bạn có thêm kiến thức để bảo vệ sức khỏe của mình và người thân.

 

ung thư phổi

Cách định bệnh ung thư phổi như thế nào? Triệu chứng bệnh là gì? Làm sao để phòng bệnh?

 

Nên chú ý khi gặp những triệu chứng ung thư phổi đáng báo động

Ung thư phổi là một căn bệnh rất nguy hiểm và có tỷ lệ người bệnh cao tại Việt Nam. Nếu bạn gặp phải những triệu chứng sau thì nên đặc biệt chú ý:

  • Ho kéo dài: Đây là biểu hiện hay gặp nhất của ung thư phổi. Tuy nhiên, ho cũng là triệu chứng phổ biến của hầu hết các bệnh hô hấp khác. Khi bị cảm cúm hay nhiễm trùng hô hấp, người bệnh cũng thường ho kèm theo hắt hơi, sổ mũi, nhưng thường khỏi bệnh trong vài ngày đến 1–2 tuần. Nếu triệu chứng ho kéo dài trên 3 tuần, bạn nên đi khám bác sĩ để được khám và chẩn đoán đúng bệnh.
  • Những biểu hiện khác: Khi khối u tiến triển, các triệu chứng sẽ ngày càng rõ ràng hơn. Ho và khạc ra máu hoặc có đờm lẫn máu. Đau tức ngực có thể là dấu hiệu chỉ điểm của ung thư phổi. Sau một thời gian, bệnh nhân có thể biểu hiện gầy ốm, sụt cân, mệt mỏi, khàn giọng, khó nuốt, đau xương, nổi hạch vùng cổ.
  • Bị bệnh nhưng không có triệu chứng: Cần lưu ý rằng, có khoảng 5 - 10% người bệnh được chẩn đoán ung thư phổi không có triệu chứng báo động nào, chỉ phát hiện tình cờ khi chụp phim X quang ngực. Những trường hợp này thường do kích thước khối u còn khá nhỏ nên chưa gây ra ảnh hưởng đáng kể đến hệ hô hấp và cơ thể.

Tuy vậy cũng đừng quá lo lắng, bởi không phải ai có các triệu chứng nêu trên đều mắc ung thư phổi. Phần lớn các trường hợp sau khi chẩn đoán đều là lành tính. Ví dụ, bệnh lao phổi khá phổ biến ở nước ta cũng có triệu chứng tương tự như ho kéo dài, ho ra máu, sụt cân, gầy ốm, nhưng có thể trị lành hoàn toàn.

 

ung thư phổi

 

Lời khuyên hữu ích nhất chính là khi xuất hiện các triệu chứng này, bạn không nên chủ quan mà nên đi khám sớm, hoặc liên hệ ngay Phòng Khám Hô Hấp Đỗ Thị Tường Oanh để được chẩn đoán và theo dõi đúng cách. Đặc biệt, những người hút thuốc lá có triệu chứng ho kéo dài thường chủ quan cho rằng mình ho vì thuốc lá, nhưng đến khi đi khám thì đã trễ vì khối u ở phổi đã tiến triển.

Nên làm gì để phòng tránh ung thư phổi?

Mặc dù ung thư phổi là một căn bệnh nguy hiểm đối với con người chúng ta, thế nhưng không phải không có cách để phòng tránh hiệu quả.

Cai thuốc lá

Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi, ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ đến sức khỏe của người hút mà còn cả gia đình và người thân sống chung. Do đó, bỏ thuốc lá là bước quan trọng nhất để phòng tránh ung thư phổi. Mặc dù các gói thuốc lá hiện nay đều có in cảnh báo về ung thư phổi, số lượng tiêu thụ thuốc lá vẫn không giảm nhiều. Một số người khó cai thuốc do thói quen lâu ngày, số khác do lệ thuộc vào chất nicotine trong khói thuốc.

Hiện nay, y học đã phát triển nhiều loại thuốc hỗ trợ cai thuốc lá như miếng dán, viên nhai, và viên uống. Tuy nhiên, sự quyết tâm của người muốn cai thuốc vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Với quyết tâm cao và sự hỗ trợ từ nhân viên y tế cùng các loại thuốc giúp cai thuốc, bạn có thể cai thuốc lá thành công.

 

ung thư phổi

 

Tránh tiếp xúc khói thuốc và môi trường độc hại

Khói thuốc lá cũng là nguyên nhân gây hại không kém so với thuốc lá. Nên Tránh xa môi trường có khói thuốc và khuyến khích người thân trong gia đình cai thuốc lá. Ngoài ra cũng cần hạn chế tiếp xúc với các chất gây ung thư như amiăng, radon, và các hóa chất công nghiệp khác. Nếu làm việc trong môi trường có nguy cơ, hãy tuân thủ các biện pháp bảo hộ lao động.

Đeo khẩu trang và duy trì lối sống lành mạnh

Chú ý hạn chế tiếp xúc với không khí ô nhiễm, môi trường khói bụi bằng cách đeo khẩu trang khi ra ngoài, sử dụng máy lọc không khí trong nhà, và tránh những khu vực có mức độ ô nhiễm cao. Việc tăng cường hệ miễn dịch bằng cách duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, giàu rau xanh và trái cây, tập thể dục đều đặn, và giữ cân nặng ở mức hợp lý cũng là phương án phòng tránh ung thư phổi hiệu quả.

Nhận biết sớm, điều trị nhanh và dứt điểm

Khối u phổi thường không gây triệu chứng khi mới xuất hiện, nhưng khi phát triển lớn sẽ gây ra các triệu chứng như đã trình bày. Nếu khối u tiến triển lâu và lan rộng, việc điều trị trở nên khó khăn. Ngược lại, phát hiện sớm khối u sẽ tăng khả năng chữa lành bệnh. Vậy làm sao để phát hiện bệnh sớm, ngay cả khi chưa có triệu chứng?

Khám sức khỏe định kỳ với chụp X-quang phổi hàng năm có thể phát hiện sớm một số trường hợp ung thư phổi. Tuy nhiên, X-quang phổi có thể bỏ sót nhiều trường hợp, nên hiện nay các chuyên gia khuyên nên chụp CT phổi liều thấp hàng năm. Hai nhóm đối tượng nên chụp CT ngực liều thấp hàng năm là người trung niên, lớn tuổi vẫn hút thuốc lá hoặc đã cai thuốc chưa đến 15 năm, và người có người thân ruột thịt bị ung thư phổi.

Một số người thử máu để tìm ung thư phổi, nhưng xét nghiệm máu thường không chính xác, có thể bỏ sót bệnh hoặc gây lo lắng vô ích vì chỉ số tăng cao nhưng không có bệnh.

Cách định bệnh ung thư phổi sẽ được bác sĩ thực hiện như thế nào?

Sau khi đã tìm hiểu về triệu chứng ung thư phổi và cách phòng tránh, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những phương pháp được các bác sĩ hiện nay sử dụng để định bệnh ung thư phổi trên bệnh nhân.

Thăm khám với bác sĩ chuyên môn

Khi có các triệu chứng như ho kéo dài, ho ra máu, khò khè, sụt cân không rõ nguyên nhân..., người bệnh nên chủ động đến khám bác sĩ để có chẩn đoán chính xác, tránh tự ý điều trị hoặc bỏ qua. Bác sĩ sẽ tiến hành thăm hỏi và khám bệnh cẩn thận bằng các phương pháp nghe, gõ, sờ nắn. Nếu có nghi ngờ về ung thư phổi, bác sĩ sẽ sử dụng các kỹ thuật cận lâm sàng để xác định bệnh một cách chắc chắn.

Chụp chiếu phổi – Hình ảnh học lồng ngực

Để xác định rõ hơn các tổn thương trong phổi, bác sĩ thường chỉ định chụp phim phổi với các kỹ thuật sau:

  • Chụp X-quang ngực: Kỹ thuật này nhanh, rẻ và ít ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng không thể quan sát đầy đủ hai lá phổi do nhiều chỗ bị che khuất.
  • Chụp CT ngực liều thấp: Kỹ thuật này quan sát chi tiết hơn so với X-quang ngực và có thể phát hiện sớm các tổn thương, nhưng nếu phát hiện bất thường, có thể cần chụp CT lồng ngực để xem rõ hơn.
  • Chụp CT lồng ngực: Đây là kỹ thuật đắt tiền và sử dụng nhiều tia X, nhưng cho phép quan sát chi tiết bằng cách "cắt" lá phổi thành từng lát mỏng. Có thể kết hợp với tiêm thuốc cản quang để quan sát rõ hơn.
  • Chụp MRI: Ít sử dụng trong các bệnh lý phổi, chỉ áp dụng trong một số ít trường hợp đặc biệt.

 

ung thư phổi

 

Dùng thủ thuật nội soi chuyên nghiệp

Hình ảnh khối u phổi trên phim X-quang hay CT chỉ mang tính chất tham khảo, chưa thể xác định chính xác bệnh ung thư phổi. Nhiều trường hợp bị nhầm lẫn do hình dạng bên ngoài giống nhau nhưng bản chất lại khác nhau. Vì vậy, bác sĩ cần lấy một ít tế bào khối u để quan sát dưới kính hiển vi và thực hiện thêm các kỹ thuật chuyên sâu. Để làm điều này, bác sĩ sẽ nội soi phổi, đưa ống soi qua mũi hoặc miệng vào phổi đến chỗ khối u và lấy mẫu mô (sinh thiết). Nội soi và sinh thiết khối u phổi là cần thiết vì hai lý do:

  • Xác định chắc chắn đây có phải ung thư phổi hay không.
  • Xác định loại ung thư để có hướng điều trị phù hợp.

 

ung thư phổi

 

Trên đây là những thông tin về triệu chứng, phương pháp phòng tránh và cách định bệnh ung thư phổi hiện nay. Mong rằng qua bài viết này, mọi người đã hiểu hơn về căn bệnh này, đồng thời cũng có những phương án thích hợp để điều trị hoặc phòng bệnh. Nếu bạn muốn được thăm khám chi tiết và nhận tư vấn rõ ràng hơn về bệnh ung thư phổi cùng nhiều chứng bệnh khác về đường hô hấp, hãy liên hệ ngay đến phòng khám chúng tôi:

PHÒNG KHÁM HÔ HẤP ĐỖ THỊ TƯỜNG OANH

Địa chỉ: 167 đường Ngô Quyền, Phường 6, Quận 10, TP.Hồ Chí Minh

Điện thoại: 0908120626 - (028)38570686

Email: bstuongoanh@gmail.com

Website: www.phongkhamhohap.com