CẦN LÀM GÌ KHI LÊN CƠN HEN SUYỄN CẤP TẠI NHÀ?

10/05/2023
Tin về các bệnh hô hấp
Lượt xem: 595

Nếu bạn đang lên cơn hen và có những triệu chứng như trên thì bạn cần phải đến phòng cấp cứu của bệnh viện gần nhất. Không nên tự đến bệnh viện một mình, hãy đi cùng với người thân hoặc bạn bè. Nếu ở một mình, hãy gọi số điện thoại cấp cứu để được chở đến bằng xe của bệnh viện.

Cơn hen suyễn cấp là những đợt ho, khò khè, nặng ngực, khó thở xảy ra do tình trạng tắc nghẽn luồng khí thở do các phế quản bị co thắt, do sưng phù làm hẹp lòng phế quản và do đàm nhớt làm bít tắc phế quản. Những cơn này đôi khi rất nhẹ, tự qua khỏi không cần uống thuốc nhưng cũng có thể rất nặng gây khó thở dữ dội, nếu không cấp cứu kịp thời có thể tử vong. Việc xử trí cấp cứu cơn hen suyễn nhằm mục đích chặn đứng cơn suyễn ngay tức thời giúp người bệnh giảm khó thở, tránh những biến chứng nặng của bệnh và tránh những diễn biến xấu về sau.

 

 

Biểu hiện của cơn hen suyễn cấp

Cơn suyễn có thể khởi phát một cách rầm rộ, đột ngột, cũng có thể diễn tiến từ từ, nặng dần lên. Cũng có trường hợp cơn suyễn như ‘hung thần bóng đêm”, đêm nào cũng xuất hiện làm phá vỡ giấc ngủ, ‘tác oai tác quái’ vài giờ đồng hồ rồi đến khi mặt trời ló dạng thì cơn suyễn dịu dần, người bệnh có thể đi học, đi làm bình thường rồi chờ khi đêm đến, ‘hung thần’ lại tái xuất hiện. Có 4 triệu chứng chính thường gặp trong bệnh hen suyễn:

- Khó thở: Cảm giác ngộp, không thở được, “thiếu hơi”, không đủ hơi để thở. Khi cơn suyễn diễn ra rầm rộ, dữ dội, người bệnh có cảm giác bóp nghẹt như có ai siết cổ không thở được.

- Khò khè: Là tiếng rít đi kèm với nhịp thở, thường nghe thấy ở thì thở ra. Tiếng khò khè đôi khi rất to, người đứng bên cạnh có thể nghe được nhưng thông thường chỉ nghe được khi áp tai vào lưng người bệnh, âm thanh tương tự như tiếng mèo kêu. Thở khò khè là triệu chứng thường gặp nhất của cơn hen. Tuy nhiên, không phải tất cả những bệnh nhân bị hen đều thở khò khè và không phải tất cả những người thở khò khè đều bị hen. Có những trường hợp trẻ khò khè là do nuốt phải dị vật, mảnh dị vật chèn vào một nhánh phế quản do đó gây tiếng khò khè nhưng trẻ bị chẩn đoán lầm là hen suyễn trong suốt một thời gian dài. Những bệnh khác cũng gây khò khè có thể lầm với hen suyễn là lao phế quản, u nội phế quản, mềm sụn khí quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…

- Ho: Thường đi kèm với khó thở, xảy ra nhiều vào lúc nửa đêm về sáng hay khi gắng sức. Cũng có trường hợp người bệnh hen suyễn nhưng chỉ có mỗi triệu chứng ho khiến cho việc chẩn đoán bệnh khó khăn, người bệnh bị chẩn đoán nhầm với nhiều bệnh khác cũng gây ho như viêm phế quản, lao phổi…

 

Khi bị hen suyễn cấp tại nhà, bạn phải thật bình tĩnh để xử lý tình huống tốt nhất

 

- Nặng ngực: Cảm giác như có vật gì nặng đè lên ngực, đây cũng là một biểu hiện của khó thở.

Cơn suyễn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào trong ngày nhưng thường gặp nhất vào ban đêm, nhất là vào khoảng nửa đêm đến gần sáng. Một số ít trường hợp cơn suyễn xảy ra ngay sau khi tiếp xúc với các tác nhân gây hen, như người bệnh đột ngột cảm thấy khó thở ngay sau khi vào chùa thắp một nén nhang cúng Phật hoặc đứa trẻ sau khi đùa nghịch, cười giỡn quá mức lại lên cơn tím tái, khó thở. Đa phần còn lại không thể nhận diện rõ được các yếu tố làm khởi phát cơn suyễn.

Các triệu chứng của cơn hen suyễn rất thay đổi, có thể không giống nhau khi so sánh giữa người này với người khác. Thậm chí trên cùng một người bệnh, triệu chứng của cơn hen suyễn cũng có thể thay đổi theo thời gian, giữa cơn hen suyễn lúc này với cơn hen suyễn lúc khác. Những người mắc bệnh hen suyễn lâu năm thường rất dễ nhận biết những dấu hiệu đầu tiên của cơn hen suyễn và nên có những biện pháp tránh cho cơn hen suyễn diễn tiến nặng hơn.

Cần phải làm gì khi gặp cơn hen suyễn cấp

 

 

Để chặn đứng cơn khó thở cấp tính, bạn cần phải:

- Tránh xa ngay tác nhân gây khởi phát cơn hen cấp nếu nhận diện được chúng (tránh ngay khói hoặc các loại hoá chất có mùi nồng gắt nếu lên cơn hen suyễn ngay khi ngửi chúng, ngưng gắng sức nếu hen do gắng sức, giữ ấm nếu hen do luồng khí lạnh…)

- Sử dụng thuốc đường hít sớm và đúng cách: Sử dụng thuốc đường hít tức là đưa thuốc trực tiếp vào đường hô hấp bằng các dụng cụ bơm xịt, bình hít bột khô hay máy phun khí dung. Các phương pháp đều có ưu điểm là giảm bớt khó thở nhanh chỉ sau 2 – 5 phút. Thuốc cần sử dụng trong trường hợp này là các loại thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn như salbutamol (các thuốc hiện có trên thị trường là Ventolin), fenoterol (Bricanyl)… Dùng thuốc đường hít nên được thực hiện sớm ngay khi có những triệu chứng đầu tiên. Không nên để quá trễ khi cơn suyễn đã diễn tiến khá lâu, hoặc khi người bệnh không còn chịu đựng được nữa mới dùng thuốc bơm xịt, hoặc phun khí dung vì để càng muộn thì khả năng cắt cơn suyễn thành công càng thấp. Khi đó lượng thuốc đi vào phổi đã giảm đi nhiều do các phế quản đã bị co hẹp lại một phần, đàm tiết ra nhiều gây bít tắc và người bệnh đã quá mệt không còn đủ sức để hít thuốc nữa. Có thể hình dung việc chặn đứng cơn suyễn cũng như dập tắt một ngọn lửa. Nếu ngọn lửa chỉ mới bén, ta có thể dập tắt dễ dàng nhưng nếu ta chần chờ để cho ngọn lửa cháy bùng lên và bắt đầu lan ra xung quanh thì việc dập tắt lửa trở nên khó khăn hơn và để lại hậu quả ít nhiều.

Cũng cần lưu ý về kỹ thuật dùng thuốc đường hít sao cho thao tác nhuần nhuyễn để đạt được hiệu quả. Nếu thao tác sai thì lượng thuốc hít vào quá ít không đủ để làm giãn phế quản và cơn khó thở sẽ không được giải quyết.

Liều thường dùng là hai nhát hít thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn. Nếu chưa bớt khó thở, xịt lặp lại mỗi lần 2 nhát cách nhau khoảng  5 – 10 phút.

 

 

- Các biện pháp hỗ trợ khác: Nghỉ ngơi, nhấp nước hoặc chất lỏng ấm, ngâm chân nước nóng, ngồi khom người ra phía trước khuỷu tay chống gối hoặc tựa lên mặt phẳng…

- Nếu cơn khó thở chưa cải thiện: Nếu không có đáp ứng sau 8 lần xịt hoặc cơn suyễn chỉ lui tạm thời trong vài giờ rồi trở lại thì nên đi khám bác sĩ hoặc đến phòng cấp cứu ngay lập tức để được điều trị triệt để hơn.

- Bản kế hoạch hành động: Nếu những cơn hen suyễn cấp xảy ra rất thường xuyên, cần phải tham vấn với bác sĩ để có một bảng hướng dẫn bao gồm những việc phải làm khi cơn hen xuất hiện, khi nào thì cần gọi bác sĩ và khi nào thì cần đưa đến phòng cấp cứu, gọi là bản kế hoạch hành động. Nếu người bệnh có một bản chương trình hành động, hãy theo đúng chương trình đó.

 

Các bước sử dụng bình xịt để đề phòng hen suyễn cấp tại nhà

Cảnh giác cơn hen nặng

Mặc dù bệnh hen suyễn là bệnh có thể hồi phục được nhưng một cơn hen nặng cũng có thể gây tử vong nếu không xử trí kịp thời. Các triệu chứng của cơn hen nặng là:

- Khó thở ngày càng tăng và không cải thiện mặc dù đã dùng thuốc cắt cơn nhiều lần ( > 4 lần tương đương 8 nhát xịt)

- Nói ngắt quãng, không thể nói thành câu hoàn chỉnh

- Ngực cảm thấy như bị bóp chặt

- Môi và vùng da dưới móng tay chuyển thành màu xám hoặc xanh tím.

- Cảm thấy lo lắng, hoảng sợ, không có khả năng tập trung.

- Vùng da ở sườn và cổ bị co kéo, di động theo nhịp thở.

- Tim đập nhanh, hồi hộp.

 

 

Đây là những dấu hiệu cảnh báo tình trạng suy hô hấp. Nếu bạn đang lên cơn hen và có những triệu chứng như trên thì bạn cần phải đến phòng cấp cứu của bệnh viện gần nhất. Không nên tự đến bệnh viện một mình, hãy đi cùng với người thân hoặc bạn bè. Nếu ở một mình, hãy gọi số điện thoại cấp cứu để được chở đến bằng xe của bệnh viện.

 

PHÒNG KHÁM HÔ HẤP ĐỖ THỊ TƯỜNG OANH

Địa chỉ: 167 đường Ngô Quyền, Phường 6, Quận 10, TP.Hồ Chí Minh
Sđt: 0908 120 626
Website: www.phongkhamhohap.com
Chia sẻ

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Ung thư phổi là gì? Nguyên nhân bắt nguồn từ đâu?

Ung thư phổi là bệnh lý ác tính phổ biến hàng đầu tại Việt Nam cũng như thế giới. Theo thống kê, bệnh này đứng thứ 2 về tỷ lệ mắc mới và có tỷ lệ tử vong cao nhất trong số các bệnh ung thư trên toàn cầu. Trong bài viết hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về khái niệm cùng những nguyên nhân gây ung thư phổi điển hình. Mời bạn đọc tham khảo nhé!

KỸ THUẬT SỬ DỤNG BÌNH XỊT KÈM VỚI BUỒNG HÍT

Buồng hít (hoặc buồng đệm) là gì? Buồng hít (hoặc buồng đệm) là gì?

KỸ THUẬT SỬ DỤNG BÌNH XỊT HEN SUYỄN

Bình xịt là dụng cụ dùng khá phổ biến trong điều trị bệnh hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Nguyên tắc cấu tạo của bình xịt là dùng một chất đẩy thuốc (tương tự như các dụng cụ gia đình như xịt muỗi, xịt phòng) để tạo ra luồng phun gồm những hạt nhỏ li ti sau mỗi lần bóp thuốc và đưa một liều thuốc đã định lượng vào phổi bạn.

BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH VÀ THUỐC LÁ

Tình hình hút thuốc lá trên thế giới và trong nước

SUY DINH DƯỠNG Ở BỆNH NHÂN BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH

Từ xưa đến nay, ông bà ta đã biết rằng dinh dưỡng là một trong những phương pháp cần thiết để giữ gìn sức khỏe, khắc phục bệnh tật, kéo dài tuổi thọ. Đối với những người phải chịu đựng những bệnh tật khác nhau, dinh dưỡng còn là một biện pháp hỗ trợ giúp tăng cường sức khỏe làm cho căn bệnh phục hồi nhanh chóng hơn. Còn đối với một số căn bệnh được gọi là “mãn tính” tức là kéo dài rất nhiều năm cho đến cuối đời như bệnh tiểu đường, cao huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính…, biết cách dinh dưỡng hợp lý không chỉ có tác dụng hỗ trợ mà còn được xem là một biện pháp điều trị cần thiết giúp cho người bệnh có thể “sống chung hòa bình” với căn bệnh. Đặc biệt đối với bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, điều chỉnh dinh dưỡng được xem là một trong biện pháp điều trị không dùng thuốc có vai trò quan trọng trong việc tăng cường chất lượng cuộc sống của người bệnh.    

BỆNH LAO Ở PHỤ NỮ CÓ THAI

Nguy cơ nhiễm lao và mắc bệnh lao ở phụ nữ có thai

ĐẶT LỊCH NGAY

BS Oanh

 Thứ 2, Thứ 3, Thứ 5, Thứ 6: 18 – 20g

Thứ 7: 7g30 – 9g30

 

BS Trí

Thứ 4: 18 - 20g

 

HOTLINE LIÊN HỆ: 0908 120 626