Điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nhằm mục đích gì?
Đọc đến đây cô bác sẽ nghĩ rằng nếu bệnh không thể điều trị được, vậy các bác sĩ còn chữa bệnh làm gi? Thật ra, mặc dù bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính không thể điều trị khỏi hoàn toàn, việc chữa trị bệnh cũng phải được tiến hành nhằm các mục đích sau:
- Giúp người bệnh giảm bớt các triệu chứng của bệnh như khó thở, khò khè, ho, nặng ngực…thường làm người bệnh rất khó chịu.
- Giúp cho bệnh diễn tiến chậm lại. Điều trị bệnh không mang trở lại cho người bệnh hai lá phổi nguyên vẹn ngày xưa nhưng có thể tác động như một phanh hãm làm chậm tốc độ tiến triển của bệnh.
- Giúp cho người bệnh có thể thực hiện các công việc đòi hỏi phải có ít nhiều gắng sức mà người bệnh không thể thực hiện được vì ảnh hưởng của bệnh.
- Giúp tăng cường tình hình sức khỏe chung của người bệnh, tăng cường chất lượng cuộc sống của người bệnh.
- Ngăn ngừa không để cho bệnh xuất hiện các biến chứng của bệnh như suy tim, suy hô hấp mạn tính.
- Phòng tránh các đợt cấp của bệnh để các đợt cấp này ít xảy ra, và nếu có xuất hiện cũng ở mức độ nhẹ, có thể kiểm soát được.
Điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bao gồm những biện pháp gì?
Cũng giống như các căn bệnh mạn tính kéo dài khác như tiểu đường, cao huyết áp…, việc điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bao gồm hai phần: điều trị dùng thuốc và điều trị không dùng thuốc, hai phần này nên được kết hợp và hỗ trợ lẫn nhau để đạt được hiệu quả điều trị tốt.
Điều trị dùng thuốc
Thuốc dùng điều trị trong bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính chủ yếu là các loại thuốc giãn phế quản, tức là các loại thuốc có tác dụng làm cho đường thở giãn nở ra và thông thoáng hơn, giúp người bệnh giảm bớt triệu chứng khó thở. Thuốc giãn phế quản có nhiều dạng khác nhau như thuốc uống, thuốc tiêm chích, thuốc đường hít, trong đó thông dụng và được khuyến khích sử dụng nhiều nhất là thuốc đường hít. Thuốc đường hít có thể được dùng với bình xịt định liều, bình hít bột khô hoặc máy phun khí dung (xem bài “Hướng dẫn sử dụng thuốc đường hít”). Ưu thế của thuốc đường hít là tác dụng rất nhanh sau vài phút (do thuốc được hít trực tiếp vào phổi), ít có tác dụng phụ hơn so với thuốc uống hoặc tiêm chích nhưng có khuyết điểm là khó sử dụng một cách chính xác. Có nhiều cô bác đã dùng thuốc một thời gian lâu nhưng khi được kiểm tra lại vẫn chưa đúng cách, và nếu dùng thuốc không đúng cách thì lượng thuốc vào phổi ít, không đủ liều lượng để có tác dụng tối ưu. Để có thể sử dụng thuốc đúng cách, cô bác nên xem lại bài “Hướng dẫn sử dụng thuốc đường hít” ở trang…
Trên thị trường hiện nay, các thuốc giãn phế quản giúp làm giãn nở đường thở và giảm bớt triệu chứng khó thở có các loại thuốc như Ventolin* (ống bơm xịt, thuốc phun khí dung), Bricanyl* (ống bơm xịt, bình hít bột khô), Berodual* (ống bơm xịt, thuốc phun khí dung), Combivent* (ống bơm xịt, thuốc phun khí dung). Thuốc có tác dụng nhanh trong vòng vài phút và kéo dài khoảng vài giờ đồng hồ.
Bên cạnh các thuốc giãn phế quản vốn được xem là thuốc điều trị chủ lực của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giúp điều trị triệu chứng khó thở một cách nhanh chóng, còn có thêm một số thuốc khác nếu sử dụng lâu dài có thể giúp bệnh tiến triển chậm hơn, ít rơi vào các đợt cấp hơn và nhờ vậy diễn tiến của bệnh tốt hơn. Đó là các thuốc cóc – ti – cô – ít (corticoid) đường hít (Flixotide*), thuốc corticoid kết hợp với thuốc giãn phế quản tác dụng dài (Seretide*, Symbicort*) hoặc thuốc giãn phế quản tác dụng dài 24g (Spiriva*)…Các thuốc này nên được sử dụng đều đặn hàng ngày theo đúng hướng dẫn của bác sĩ trong một thời gian dài có thể giúp bệnh ổn định, và thuốc chỉ thật sự có tác dụng khi cô bác sử dụng đều đặn và thường xuyên.
Điều trị không dùng thuốc
Điều trị không dùng thuốc là những biện pháp điều trị cũng quan trọng không kém so với điều trị dùng thuốc nhưng ít được chú ý, quan tâm và tuân thủ đúng. Vì bệnh cần phải được điều trị suốt đời nên cần có những biện pháp điều trị khác hỗ trợ cho điều trị dùng thuốc sao cho việc dùng thuốc ít nhất mà có hiệu quả, nhằm tránh những tác dụng phụ có thể có khi dùng thuốc lâu dài. Các biện pháp điều trị không dùng thuốc bao gồm:
- Cai thuốc lá: Có đến 90% bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đang hút thuốc lá hoặc đã từng hút thuốc lá và thuốc lá chính là nguyên nhân gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở nhóm người này. Vì vậy, nếu bệnh nhân vẫn còn đang hút thuốc thì cai thuốc lá sẽ giúp cho bệnh tiến triển chậm hơn. Cai thuốc lá cũng giúp người bệnh hạn chế được tình trạng sụt cân, gầy ốm, suy dinh dưỡng (thường gặp ở người nghiện thuốc lá) sẽ làm cho bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nặng nề hơn. Ảnh hưởng của thuốc lá đối với bệnh phổi và phương pháp cai nghiện thuốc lá sẽ được trình bày chi tiết ở các chương sau.
- Chủng ngừa cúm và phế cầu: Vi rút gây bệnh cúm và vi khuẩn gây bệnh phế cầu là nguyên nhân thường gây ra các đợt cấp tính của bệnh khiến cho người bệnh ho đàm vàng, mệt mỏi, khó thở và thường phải nhập viện. Chủng ngừa cúm và chủng ngừa phế cầu, nhất là ở những vùng có thời tiết lạnh sẽ giúp hạn chế các đợt bệnh diễn tiến nặng này. Chủng ngừa cúm nên được thực hiện hàng năm và chủng ngừa phế cầu mỗi 5 năm một lần. Nên chủng ngừa vào những ngày cảm thấy khỏe khoắn trong người và không nên chủng ngừa đồng thời 2 thuốc trong cùng một ngày. Cô bác có thể đến Viện Pasteur TPHCM hoặc Trung tâm Y tế dự phòng ở địa phương để chủng ngừa.
- Tập vận động trị liệu: Tập vận động là một trong những biện pháp cốt lõi của điều trị không dùng thuốc nhằm giúp người bệnh giảm bớt khó thở, nhất là khó thở khi gắng sức. Có nhiều việc trước đây người bệnh có thể làm được dễ dàng nhưng khi bệnh tiến triển dần, người bệnh thường không thể thực hiện được vì mệt, khó thở khi phải gắng sức. Tập vận động đúng phương pháp sẽ giúp người bệnh thích nghi tốt hơn với cuộc sống hàng ngày, không còn cảm thấy mệt, khó thở khi đi bộ xa, khi đi tắm…và chất lượng cuộc sống cũng sẽ được cải thiện tốt hơn. Về mặt tinh thần, người bệnh cũng sẽ thấy yên tâm và tự tin hơn. Phương pháp tập vận động trị liệu sao cho an toàn hiệu quả sẽ được trình bày chi tiết trong các chương sau.
- Tham gia các chương trình giáo dục sức khỏe dành cho bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: Để có thể hiểu rõ về căn bệnh cũng như nắm kỹ các kiến thức, các kỹ năng cần thiết nhằm sống chung lâu dài với bệnh, đối phó với những diễn tiến xấu của bệnh, người bệnh nên tham gia các chương trình giáo dục sức khỏe thường được tổ chức tại các bệnh viện hay đơn vị y tế địa phương. Quyển sách này cũng trình bày những nội dung cần thiết mà người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nên nắm vững.
- Phòng chống suy dinh dưỡng: Gầy ốm, sụt cân, suy dinh dưỡng hoặc béo bệu là những tình trạng dinh dưỡng không thuận lợi cho diễn tiến của bệnh. Nhất là suy dinh dưỡng sẽ làm cho các cơ hô hấp bị suy yếu và người bệnh dễ bị suy hô hấp hơn và tình trạng suy hô hấp này cũng khó được cải thiện. Ảnh hưởng của suy dinh dưỡng lên bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cách phòng tránh suy dinh dưỡng, cách chọn lực món ăn, thực đơn và chế độ ăn hợp lý sẽ được trình bày chi tiết ở những chương sau.
- Sử dụng oxy tại nhà nếu có chỉ định của bác sĩ: Một số bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có thiếu oxy máu mạn tính cần được thở oxy thường xuyên tại nhà. Việc thở oxy tại nhà cần được sự chỉ định hợp lý của bác sĩ (căn cứ vào nồng độ oxy trong máu quá thấp), và nên tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ chứ cô bác không nên tự ý vì oxy chính là con dao hai lưỡi. Cách sử dụng oxy tại nhà cũng như những lưu ý cần thiết khi thở oxy sẽ được trình bày chi tiết ở những chương sau.
Điều trị không dùng thuốc phải luôn kết hợp và hỗ trợ cho điều trị dùng thuốc, hai biện pháp điều trị này luôn được thực hiện đồng thời sẽ giúp cho người bệnh dễ dàng thích nghi với bệnh tật và có chất lượng cuộc sống tốt.
Điều trị đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Mặc dù là bệnh mạn tính nhưng trên nền diễn tiến mạn tính của bệnh thỉnh thoảng xuất hiện những đợt bệnh nặng, diễn tiến khá nhanh, thường có ho đàm nhiều hơn, khó thở nhiều hơn giai đoạn ổn định trước đó gọi là đợt cấp hay đợt kịch phát của bệnh. Khi xuất hiện những đợt cấp này, cô bác nên đến khám để được xử trí sớm và thích hợp. Nếu bệnh diễn tiến nặng, cô bác nên nhập viện hoặc đến khoa cấp cứu của bệnh viện địa phương để được chữa trị thích hợp. Thông thường các bác sĩ sẽ cho cô bác sử dụng thuốc giãn phế quản với liều cao hơn thông thường. Phần lớn trường hợp sẽ được dùng kháng sinh đường uống hoặc đường tiêm và thuốc cóc – ti – cô – ít. Nếu có thiếu oxy máu, bệnh nhân sẽ được thở oxy. Một số trường hợp bệnh diễn tiến nặng và nhanh, người bệnh sẽ được đưa vào phòng hồi sức và sử dụng máy giúp thở để hỗ trợ hô hấp. Nếu đợt cấp xảy ra thường xuyên và nặng, người bệnh sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều, bệnh có chiều hướng xấu đi nhanh chóng. Vì vậy người bệnh nên tìm cách phòng tránh các đợt cấp đừng để tình trạng này xuất hiện; nếu đã xuât hiện thì tránh cho đợt cấp không xảy ra thường xuyên và ở mức độ nhẹ. Nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo đợt cấp cũng như cách đối phó thích hợp với các đợt diễn tiến nặng này sẽ được trình bày chi tiết ở những chương sau.