BỆNH LAO Ở PHỤ NỮ CÓ THAI

18/10/2022
Tin về các bệnh hô hấp
Lượt xem: 1788

Nguy cơ nhiễm lao và mắc bệnh lao ở phụ nữ có thai

         Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh lao là một bệnh nhiễm khuẩn gây tử vong ở phụ nữ nhiều nhất, đã có gần 1 tỷ phụ nữ nhiễm lao với số mắc bệnh lao mới hằng năm là 2,5 triệu và số tử vong khoảng 1 triệu, phần đông những người bị tử vong do bệnh lao đều ở lứa tuổi sinh đẻ và nuôi con

          Phụ nữ trong lúc sinh đẻ và nuôi con thường dễ bị mắc lao hơn so với các lứa tuổi khác và nam giới do các lý do sau đây:

          - Sự thay đổi các nội tiết tố của cơ thể trong quá trình mang thai để chuẩn bị cho việc sinh đẻ và nuôi con làm cho hệ sinh dục, vùng chậu hông, da, cơ... tăng cường chuyển hóa các chất, ngấm nhiều nước hơn... Đồng thời ở phổi, những tổ chức xơ sẹo trở nên mềm hơn làm cho vi khuẩn lao đang ở giai đoạn ‘ngủ’ dễ dàng hoạt động trở lại.

          - Cơ thể người mẹ phải giảm miễn dịch tự nhiên để chấp nhận một cơ thể lạ nằm trong cơ thể của mình cũng làm cho vi khuẩn dễ phát triển.

          - Cơ thể mẹ phải được dinh dưỡng gấp bội để nuôi bào thai nhưng sản phụ lại ăn uống không đầy đủ do nghén hoặc do thiếu thốn, nghèo đói.

          - Sự vất vả trong thời kỳ mang thai, lúc sinh đẻ và lúc nuôi con, lại còn phải đảm đương, gánh vác các trọng trách khác cho cuộc sống gia đình.

           Những lý do trên làm cho bệnh lao ở phụ nữ dễ dàng phát triển ở bất kỳ giai đoạn nào khi mang thai, sau khi sinh và nuôi con. Vì vậy phụ nữ trong thời kỳ mang thai và cho con bú thường dễ mắc bệnh lao và lại thường gặp những thể lao nặng. Đối với những thể lao mà vi khuẩn lan tràn trong cơ thể mẹ theo đường máu, nhiều khả năng vi khuẩn lao cũng di chuyển đến bào thai và gây bệnh lao cho bào thai gọi là lao bẩm sinh. Trẻ xuất hiện bệnh lao ngay khi chào đời và bệnh thường rất nặng.

Phát hiện bệnh lao ở phụ nữ có thai và cho con bú

          Bệnh lao hay gặp trong thời gian ba tháng đầu của thai kỳ và sau khi sinh con hơn là ở các tháng khác của thời kỳ thai nghén. Trong thời gian đầu của thai kỳ, nhất là thai con so, triệu chứng của bệnh lao dễ lẫn với dấu hiệu có thai như: chán ăn, mệt mỏi... Vì vậy người phụ nữ ít chú ý và thường không đi khám bệnh. Khi bệnh tiến triển nhiều hơn, bắt đầu xuất hiện những cơn ho, có nhiều chị em theo quan niệm sai lầm cho rằng “thai nhi mọc tóc gây ho” nên cũng không đi khám bệnh. Có chị em cho rằng cảm ho thông thường sẽ tự khỏi và không uống muốn uống thuốc để giữ an toàn cho thai nhi nên cũng không đi khám bệnh. Chính vì vậy bệnh lao ở sản phụ thường được phát hiện trễ, có khi bệnh đã diễn tiến sang những thể lao nặng như lao kê, lao màng não gây nguy hiểm tính mạng cho cả mẹ và con.

            Phát hiện bệnh lao ở người mẹ càng sớm càng tốt không những cần thiết cho chính người mẹ mà còn là yếu tố quan trọng nhất để phòng tránh lao cho trẻ từ lúc còn trong bào thai cho đến tuổi nằm nôi. Nếu mẹ mắc bệnh lao mà không được điều trị thì vi trùng lao có thể theo đường máu lan tràn nhiều nơi trong cơ thể, kể cả theo cuống rốn đến bào thai và gây ra bệnh lao bẩm sinh ở trẻ. Hoặc là vi khuẩn lao từ đường hô hấp của mẹ sẽ lây trực tiếp sang trẻ sơ sinh từ những ngày đầu tiên chào đời vì mẹ luôn chăm sóc, ẳm bồng, hôn hít. Khi đó, mẹ càng gần gũi con bao nhiêu thì nguy cơ lây nhiễm cho bé càng lớn.

Phát hiện bệnh lao ở sản phụ

          Khi thấy mình bị ho kéo dài trên 2 tuần, sản phụ hoặc người mẹ đang nuôi con nhỏ nên đi khám bệnh càng sớm càng tốt để có thể phòng tránh bệnh cho bé.

Nếu nghi ngờ sản phụ bị lao, các bác sĩ sẽ cho chị em xét nghiệm đàm để tìm vi khuẩn lao. Đây là xét nghiệm dễ làm và có độ chính xác cao. Khi hết sức cần thiết, bác sĩ mới cho chỉ định chụp Xquang phổi ở thai phụ. Cần cẩn thận vì tia X có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi trong ba tháng đầu của thai kỳ, thậm chí gây dị tật bẩm sinh Vi vậy nên tránh chụp Xquang trong ba tháng đầu thai kỳ, những tháng còn lại có thể chụp được nhưng cần phải che vải chì lên bụng để bảo vệ bào thai.

Điều trị lao ở sản phụ

          Khi đã được định bệnh là mắc bệnh lao, các bà mẹ nên điều trị lao theo đúng hướng dẫn của nhân viên y tế: Điều trị lao ĐÚNG - ĐỦ - ĐỀU. Ngoại trừ Streptomycin có thể gây điếc bẩm sinh cho bào thai vì vậy tuyệt đối không dùng cho sản phụ trong suốt 9 tháng của thai kỳ, các thuốc điều trị lao còn lại (Rifampicin, Pyrazynamide, Isoniazide, Ethambutol) đều không ảnh hưởng đến thai nhi. Phác đồ 4 thứ thuốc Rifampicin, Pyrazynamide, Isoniazide, Ethambutol của Chương trình chống lao quốc gia dùng cho các sản phụ có thể chữa khỏi bệnh lao hoàn toàn mà vẫn an toàn cho thai. Cần nhấn mạnh chính việc không điều trị lao mới gây ảnh hưởng đến thai nhi chứ thuốc kháng lao không làm hại đến thai nhi. Vì vậy, khi được phát hiện bị mắc bệnh lao, các sản phụ đừng quá lo lắng và nên đến cơ sở y tế địa phương để được điều trị lao đúng cách. Thai nhi vẫn phát triển bình thường trong lúc các bà mẹ đang dùng thuốc kháng lao, vì vậy phần lớn các trường hợp đều không cần phá thai. Một số ít trường hợp đặc biệt như có nghi ngờ lao kháng thuốc, bệnh lao quá nặng đáp ứng kém với thuốc kháng lao, tác dụng không mong muốn của thuốc kháng lao quá nặng nề…thì có thể có chỉ định bỏ thai hoặc cho sinh sớm (tùy tuổi thai) nhưng khi đó phải hết sức cân nhắc giữa nguy cơ và lợi ích của bà mẹ và thai nhi. Vì các thuốc kháng lao có thể gây chán ăn nhẹ, các bà mẹ cần cố gắng ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để vừa giúp bào thai phát triển tốt, vừa giúp bản thân có đủ sức khỏe để chống chọi với căn bệnh.

Điều trị lao ở người mẹ đang cho con bú

          Đối với các bà mẹ đang cho con bú mà phát hiện mắc bệnh lao, việc cách ly đối với con rất cần thiết khi người mẹ mắc lao phổi có vi khuẩn lao trong đàm. Bệnh lây qua đường hô hấp nên việc hôn hít, ẳm bồng, chăm sóc gần gũi rất dễ lây bệnh cho bé và trẻ càng nhỏ thì nguy cơ bị lây nhiễm càng cao. Nếu có điều kiện, nên cách ly trẻ hoàn toàn với mẹ cho đến khi vi khuẩn lao không còn tìm thấy trong đàm. Vi khuẩn lao không lây truyền qua sữa mẹ nên mẹ vẫn có thể nặn sữa ra rồi cho trẻ bú để giúp cho trẻ vẫn được hưởng những sinh chất cần thiết trong sữa mẹ. Nếu điều kiện không cho phép, tối thiểu người mẹ phải mang khẩu trang mỗi khi ở gần, chăm sóc con hoặc cho con bú và phải hết sức cẩn thận khi ho khạc đàm... cho đến khi vi khuẩn lao âm tính. Ngoài ra, tất cả các đứa trẻ con của người mẹ mắc lao phải được tiêm phòng BCG và phải được theo dõi cẩn thận để phát hiện bệnh lao sớm nếu có.

 

Chia sẻ

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Ung thư phổi là gì? Nguyên nhân bắt nguồn từ đâu?

Ung thư phổi là bệnh lý ác tính phổ biến hàng đầu tại Việt Nam cũng như thế giới. Theo thống kê, bệnh này đứng thứ 2 về tỷ lệ mắc mới và có tỷ lệ tử vong cao nhất trong số các bệnh ung thư trên toàn cầu. Trong bài viết hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về khái niệm cùng những nguyên nhân gây ung thư phổi điển hình. Mời bạn đọc tham khảo nhé!

CẦN LÀM GÌ KHI LÊN CƠN HEN SUYỄN CẤP TẠI NHÀ?

Nếu bạn đang lên cơn hen và có những triệu chứng như trên thì bạn cần phải đến phòng cấp cứu của bệnh viện gần nhất. Không nên tự đến bệnh viện một mình, hãy đi cùng với người thân hoặc bạn bè. Nếu ở một mình, hãy gọi số điện thoại cấp cứu để được chở đến bằng xe của bệnh viện.

KỸ THUẬT SỬ DỤNG BÌNH XỊT KÈM VỚI BUỒNG HÍT

Buồng hít (hoặc buồng đệm) là gì? Buồng hít (hoặc buồng đệm) là gì?

KỸ THUẬT SỬ DỤNG BÌNH XỊT HEN SUYỄN

Bình xịt là dụng cụ dùng khá phổ biến trong điều trị bệnh hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Nguyên tắc cấu tạo của bình xịt là dùng một chất đẩy thuốc (tương tự như các dụng cụ gia đình như xịt muỗi, xịt phòng) để tạo ra luồng phun gồm những hạt nhỏ li ti sau mỗi lần bóp thuốc và đưa một liều thuốc đã định lượng vào phổi bạn.

BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH VÀ THUỐC LÁ

Tình hình hút thuốc lá trên thế giới và trong nước

SUY DINH DƯỠNG Ở BỆNH NHÂN BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH

Từ xưa đến nay, ông bà ta đã biết rằng dinh dưỡng là một trong những phương pháp cần thiết để giữ gìn sức khỏe, khắc phục bệnh tật, kéo dài tuổi thọ. Đối với những người phải chịu đựng những bệnh tật khác nhau, dinh dưỡng còn là một biện pháp hỗ trợ giúp tăng cường sức khỏe làm cho căn bệnh phục hồi nhanh chóng hơn. Còn đối với một số căn bệnh được gọi là “mãn tính” tức là kéo dài rất nhiều năm cho đến cuối đời như bệnh tiểu đường, cao huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính…, biết cách dinh dưỡng hợp lý không chỉ có tác dụng hỗ trợ mà còn được xem là một biện pháp điều trị cần thiết giúp cho người bệnh có thể “sống chung hòa bình” với căn bệnh. Đặc biệt đối với bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, điều chỉnh dinh dưỡng được xem là một trong biện pháp điều trị không dùng thuốc có vai trò quan trọng trong việc tăng cường chất lượng cuộc sống của người bệnh.    

ĐẶT LỊCH NGAY

BS Oanh

 Thứ 2, Thứ 3, Thứ 5, Thứ 6: 18 – 20g

Thứ 7: 7g30 – 9g30

 

BS Trí

Thứ 4: 18 - 20g

 

HOTLINE LIÊN HỆ: 0908 120 626