Bệnh lao ở người nhiễm HIV - AIDS

26/09/2022
Tin về các bệnh hô hấp
Lượt xem: 2414

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh lao đang là vấn đề khẩn cấp toàn cầu, mỗi năm có thêm gần 10 triệu người mắc bệnh và 3 triệu người chết do lao. Nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng số người mắc bệnh lao và số người chết do lao là sự phát triển của đại dịch HIV - AIDS, bởi người nhiễm HIV - AIDS bị suy giảm sức đề kháng nên dễ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội, trong đó hay gặp nhất là bệnh lao. Trên thế giới, trong số 41 triệu người bị nhiễm HIV đang còn sống thì có 1/3 kèm nhiễm lao. Ước tính hằng năm nhiễm HIV sẽ làm tăng thêm 1,5 triệu bệnh nhân lao. Tỷ lệ tử vong do lao chiếm hơn 30% số tử vong ở bệnh nhân AIDS.

Bệnh lao và bệnh nhiễm HIV

          Bệnh lao là bệnh nhiễm khuẩn có thể lây truyền qua đường hô hấp vốn là đường lây nhiễm rất khó phòng tránh, rất khó ngăn cản đối với người nhiễm HIV. Vì vậy khi đã bị nhiễm HIV, bệnh lao phổi có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào. Khi cơ thể bị nhiễm HIV, hệ miễn nhiễm bị ảnh hưởng trầm trọng khiến cơ thể không thể chống chọi được vi trùng lao. Vì vậy bệnh nhân HIV rất dễ đi từ nhiễm lao đến mắc bệnh lao thực sự. Người nhiễm HIV có nguy cơ chuyển từ nhiễm lao sang mắc bệnh lao cao gấp 30 lần so với người không bị nhiễm HIV. Nguy hiểm hơn nữa là người nhiễm HIV mắc bệnh lao rất dễ phát sinh vi khuẩn lao kháng thuốc do cơ thể bị suy sụp miễn dịch lại thường có cuộc sống buông thả, phóng đãng hoặc do tâm lý tuyệt vọng, chán nản nên thường là những người không theo đúng chỉ dẫn điều trị bệnh lao và đó là những nguyên nhân gây hậu quả nói trên. Như vậy, bệnh lao cùng với nhiễm HIV - AIDS đã tạo nên "một bộ đôi đáng nguyền rủa". Không thể coi thường bộ đôi này vì khi chúng đi cùng nhau hậu quả xấu trước sau thế nào cũng xảy ra.

Định bệnh lao ở người nhiễm HIV

          Việc chẩn đoán lao phổi ở người nhiễm HIV thường khó khăn hơn và dễ nhầm lẫn với các bệnh viêm phổi khác cũng do tình trạng suy giảm miễn dịch. Hình ảnh trên phim Xquang phổi phần nhiều là những hình ảnh không điển hình cho bệnh lao phổi làm cho các bác sĩ gặp khó khăn trong việc định bệnh. Vi khuẩn lao trong đờm thường khó tìm thấy hơn. Phản ứng lao tố (IDR) thường cho kết quả âm tính mặc dù có nhiễm lao thực sự. Đối với ngư­ời nhiễm HIV nếu kết quả phản ứng lao tố trên 5mm đã được coi là có giá trị. Khác với người không bị nhiễm HIV, người có nhiễm HIV thường xuất hiện bệnh lao ở các cơ quan khác (lao ngoài phổi) nhiều hơn là bệnh lao phổi. Ở giai đoạn muộn người nhiễm HIV AIDS mắc lao phổi có triệu chứng sốt và sút cân nhanh, thường có triệu chứng khó thở do tổn thương ở phổi tiến triển nhanh và lan tràn cả hai phổi. Bệnh lao dễ gây ra tử vong cho những bệnh nhân AIDS vì bệnh lao làm cho vi rút HIV phát triển nhanh chóng hơn, và trong số 3 người nhiễm HIV – AIDS bị tử vong thì có 1 người chết do bệnh lao.

Điều trị lao ở người nhiễm HIV

          Tuy vậy nhìn chung, việc điều trị lao cho những người nhiễm HIV – AIDS vẫn mang lại những kết quả tốt. Điều trị lao đúng cách cho người nhiễm HIV mắc lao có thể kéo dài thêm cuộc sống của những người này trung bình thêm 2 năm. Ngược lại, người nhiễm HIV nếu bị mắc bệnh lao mà không điều trị thì sẽ tử vong trong vòng 6 tháng đến 1 năm.

           Trên thực tế, có nhiều khó khăn trong việc điều trị lao cho người nhiễm HIV - AIDS. Các khó khăn đó là: tác dụng không mong muốn của thuốc chống lao xảy ra nhiều hơn, vi khuẩn lao kháng thuốc nhiều hơn, tỷ lệ thất bại cao hơn… nhưng khó khăn nhất vẫn là người bệnh không hợp tác. Cần phải giải thích kỹ để người bệnh biết rằng đáp ứng của người bệnh lao phổi có nhiễm HIV AIDS cũng tương tự như người bệnh lao phổi không có HIV – AIDS và vẫn có thể chữa lành được bệnh. Người bệnh nên hợp tác và chấp hành nghiêm túc các nguyên tắc điều trị và sẽ khỏi bệnh.

           Để ngăn chặn những hậu quả xấu của “bộ đôi đáng nguyền rủa: Lao và HIV”, người ta thường ưu tiên phát hiện bệnh lao ở những người nhiễm HIV và ưu tiên tầm soát HIV trên những bệnh nhân lao. Việc điều trị thường được tiến hành sớm ngay khi có những dấu hiệu nghi ngờ bệnh lao trên người nhiễm HIV mà không chờ kết quả đàm dương tính. Thuốc kháng lao cũng được sử dụng tương tự như dùng cho người không nhiễm HIV, nhưng hạn chế tiêm Streptomycin để tránh rủi ro lây nhiễm HIV cho nhân viên y tế qua đường tiêm chích.

Thuốc kháng lao và thuốc kháng vi rút HIV

          Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phát triển một chiến lược kèm theo những hướng dẫn nhằm giải quyết các nhu cầu của bệnh nhân lao đồng thời nhiễm HIV. Các bệnh nhân lao đồng nhiễm HIV cần được điều trị bệnh lao, song đồng thời phải được điều trị và chăm sóc bệnh nhiễm HIV, bao gồm cả việc điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV).

Nếu người bệnh chưa từng dùng thuốc ARV, người bệnh sẽ được ưu tiên điều trị lao trước. Sau khi hoàn thành giai đoạn điều trị tấn công lao (hai tháng đầu), người bệnh  mới được bắt đầu dùng thuốc ARV nhằm tránh ảnh hưởng tác động qua lại của hai thứ thuốc khi dùng đồng thời.

           Nếu bệnh nhân đang sử dụng ARV rồi mới phát hiện mắc bệnh lao, bệnh nhân có thể được dùng đồng thời thuốc chống lao và thuốc ARV. Vì cả hai loại thuốc đều có những tác dụng không mong muốn trên gan, các bác sĩ sẽ xem xét cẩn thận tình trạng bệnh nhân và sẽ theo dõi sát người bệnh trong suốt quá trình điều trị. Người bệnh phải uống khá nhiều thuốc, vừa thuốc chống lao, vừa thuốc kháng virut nên tâm lý ngán ngại uống thuốc dễ xuất hiện. Ngoài ra, ảnh hưởng qua lại của hai loại thuốc, độc tính của thuốc và phản ứng cơ thể của người bệnh đối với thuốc thường làm cho việc điều trị thêm phức tạp và bệnh nhân dễ bỏ thuốc. Nếu vượt qua được những trở ngại đó, người bệnh có thể hồi phục dần và có thể được chữa lành bệnh lao.

Phòng bệnh lao ở người nhiễm HIV

          Miễn dịch cơ thể suy sụp là nguyên nhân dễ nhiễm lao và dễ chuyển từ lao nhiễm sang lao bệnh ở người nhiễm HIV. Sống lành mạnh, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, giữ tinh thần lạc quan vui vẻ, theo dõi và tư vấn sức khoẻ thường xuyên về lao – HIV, phát hiện các triệu chứng sớm của bệnh là những biện pháp hạn chế bệnh lao và những diễn tiến nặng của bệnh lao ở người nhiễm HIV.

          Đối với trẻ em nhiễm HIV, không được tiêm BCG cho trẻ có triệu chứng AIDS. Nhiễm HIV làm cho các phản ứng xấu khi tiêm BCG tăng lên gấp 2 lần: các hạch sư­ng nhiều hơn, chảy mủ nhiều hơn.

Chia sẻ

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Ung thư phổi là gì? Nguyên nhân bắt nguồn từ đâu?

Ung thư phổi là bệnh lý ác tính phổ biến hàng đầu tại Việt Nam cũng như thế giới. Theo thống kê, bệnh này đứng thứ 2 về tỷ lệ mắc mới và có tỷ lệ tử vong cao nhất trong số các bệnh ung thư trên toàn cầu. Trong bài viết hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về khái niệm cùng những nguyên nhân gây ung thư phổi điển hình. Mời bạn đọc tham khảo nhé!

CẦN LÀM GÌ KHI LÊN CƠN HEN SUYỄN CẤP TẠI NHÀ?

Nếu bạn đang lên cơn hen và có những triệu chứng như trên thì bạn cần phải đến phòng cấp cứu của bệnh viện gần nhất. Không nên tự đến bệnh viện một mình, hãy đi cùng với người thân hoặc bạn bè. Nếu ở một mình, hãy gọi số điện thoại cấp cứu để được chở đến bằng xe của bệnh viện.

KỸ THUẬT SỬ DỤNG BÌNH XỊT KÈM VỚI BUỒNG HÍT

Buồng hít (hoặc buồng đệm) là gì? Buồng hít (hoặc buồng đệm) là gì?

KỸ THUẬT SỬ DỤNG BÌNH XỊT HEN SUYỄN

Bình xịt là dụng cụ dùng khá phổ biến trong điều trị bệnh hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Nguyên tắc cấu tạo của bình xịt là dùng một chất đẩy thuốc (tương tự như các dụng cụ gia đình như xịt muỗi, xịt phòng) để tạo ra luồng phun gồm những hạt nhỏ li ti sau mỗi lần bóp thuốc và đưa một liều thuốc đã định lượng vào phổi bạn.

BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH VÀ THUỐC LÁ

Tình hình hút thuốc lá trên thế giới và trong nước

SUY DINH DƯỠNG Ở BỆNH NHÂN BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH

Từ xưa đến nay, ông bà ta đã biết rằng dinh dưỡng là một trong những phương pháp cần thiết để giữ gìn sức khỏe, khắc phục bệnh tật, kéo dài tuổi thọ. Đối với những người phải chịu đựng những bệnh tật khác nhau, dinh dưỡng còn là một biện pháp hỗ trợ giúp tăng cường sức khỏe làm cho căn bệnh phục hồi nhanh chóng hơn. Còn đối với một số căn bệnh được gọi là “mãn tính” tức là kéo dài rất nhiều năm cho đến cuối đời như bệnh tiểu đường, cao huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính…, biết cách dinh dưỡng hợp lý không chỉ có tác dụng hỗ trợ mà còn được xem là một biện pháp điều trị cần thiết giúp cho người bệnh có thể “sống chung hòa bình” với căn bệnh. Đặc biệt đối với bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, điều chỉnh dinh dưỡng được xem là một trong biện pháp điều trị không dùng thuốc có vai trò quan trọng trong việc tăng cường chất lượng cuộc sống của người bệnh.    

ĐẶT LỊCH NGAY

BS Oanh

 Thứ 2, Thứ 3, Thứ 5, Thứ 6: 18 – 20g

Thứ 7: 7g30 – 9g30

 

BS Trí

Thứ 4: 18 - 20g

 

HOTLINE LIÊN HỆ: 0908 120 626