ĐIỀU TRỊ BỆNH LAO

16/09/2022
Tin về các bệnh hô hấp
Lượt xem: 2679

Bệnh lao tuy nguy hiểm nhưng có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu bệnh được phát hiện sớm và chữa trị theo đúng chỉ dẫn của thầy thuốc chuyên khoa.  Nếu chữa bệnh lao không đúng cách làm cho vi khuẩn lao trở nên kháng thuốc sẽ rất nguy hiểm cho tính mạng của chính người bệnh và cả những người xung quanh.

Chữa trị bệnh lao ở đâu?

          Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới: Nếu thấy ho khạc kéo dài trên ba tuần, uống thuốc ho thông thường không khỏi, kèm thêm mỏi mệt hoặc sốt nhẹ về chiều thì nên đi khám bệnh và làm xét nghiệm đàm tại cơ sở y tế địa phương. Chương trình chống lao quốc gia Việt Nam đã xây dựng mạng lưới các tổ chống lao, trạm chống lao đều khắp 51 tỉnh thành trong cả nước và thuốc lao được cung cấp hoàn toàn miễn phí cho người bệnh. Tại các tổ chống lao địa phương, người mắc bệnh lao sẽ được quản lý điều trị bệnh theo chiến lược điều trị DOTS của Hiệp Hội Chống Lao Thế giới, đó là Hóa Trị liệu ngắn ngày có giám sát. Trong đó, người bệnh sẽ đến tổ chống lao địa phương hàng ngày, được cấp phát thuốc lao và chích thuốc, uống thuốc dưới sự giám sát của nhân viên y tế ít nhất trong hai tháng đầu điều trị tấn công. Sáu tháng còn lại, người bệnh sẽ được nhận thuốc hàng tháng cho đến khi hoàn tất điều trị. Trong suốt thời gian 8 tháng điều trị lao, người bệnh cũng sẽ được xét nghiệm đàm và chụp Xquang phổi để đánh giá hiệu quả điều trị cũng như theo dõi các tác dụng không mong muốn của thuốc.

          Bên cạnh đó, để phục vụ nhu cầu đa dạng của người bệnh, còn có các điểm khám dịch vụ, phòng khám ngoài giờ, các phòng khám chuyên khoa lao cũng có dịch vụ điều trị lao theo yêu cầu.

 

Chuẩn bị tâm lý khi phát hiện mắc bệnh lao

          Bệnh lao là căn bệnh có thể điều trị khỏi hoàn toàn, tuy nhiên việc điều trị đòi hỏi một thời gian dài nhiều tháng. Vì vậy người bệnh cần chuẩn bị một chút về tâm lý, sắp xếp lại những công việc, dự định hay ké hoạch…thậm chí chuẩn bị về thời gian, tài chánh, nơi ở…Nếu có vi khuẩn lao trong đàm, người bệnh nên tạm nghỉ công việc đang làm một thời gian cho đến khi không còn lây và thấy người khỏe hơn.

          Bạn có thể làm việc lại như trước khi có bệnh. Những thuốc bạn dùng không ảnh hưởng gì trên sức khỏe, sinh lý hay khả năng làm của bạn. Bạn cũng cần duy trì mối liên hệ với bạn bè và gia đình cũng như những hoạt động thường ngày của mình. Bạn nên luôn giữ tinh thần luôn vui vẻ, đừng quá bi quan về căn bệnh hay tức giận vì cho rằng cuộc đời đã không công bằng, đem đến cho bạn một chứng bệnh khó khăn không ngờ. Nên nhớ rằng sức khỏe tinh thần có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe thể xác.

Các nguyên tắc điều trị lao

         Để điều trị bệnh lao, cần phải tiêu diệt sạch hoàn toàn những vi khuẩn lao đã xâm nhâp vào cơ thể người bệnh. Muốn được như vậy, người bệnh phải tuân thủ việc điều trị một cách nghiêm túc. Để đảm bảo chữa khỏi bệnh lao hoàn toàn, người bệnh cần tuân thủ nguyên tắc điều trị lao “ĐÚNG - ĐỦ - ĐỀU”.

  • ĐÚNG: Điều trị đúng tức là đúng theo hướng dẫn của bác sĩ: Đúng loại thuốc, đúng liều lượng. Một công thức điều trị lao muốn có hiệu quả phải phối hợp ít nhất 3 – 4 loại thuốc trong giai đoạn tấn công (2 tháng đầu) và ít nhất 2 loại thuốc trong giai đoạn củng cố. Phối hợp thuốc mới đủ hiệu lực tiêu diệt vi khuẩn lao và tránh kháng thuốc. Liều lượng sử dụng từng loại thuốc tùy thuộc vào cân nặng của người bệnh, nếu dùng liều thấp quá không đủ để diệt khuẩn, dùng liều cao quá không tăng hiệu quả điều trị mà lại dễ có nhiều tác dụng phụ. Có bệnh nhân khi dùng thuốc kháng lao thấy mệt mỏi, bứt rứt, ăn không ngon miệng nên cho rằng thuốc lao quá “nóng” và tự ý giảm bớt liều lượng thuốc, cuối cùng bệnh không thể chữa khỏi được. Có bệnh nhân muốn rút ngắn thời gian điều trị nên tự ý tăng liều cho “nhanh” nhưng lại bị viêm gan do thuốc lao. Các thái độ này đều không tốt và người bệnh nên uống thuốc đúng theo hướng dẫn của bác sĩ mới mong đạt được kết quả điều trị.
  • ĐỦ: Đủ thời gian. Một phác đồ điều trị lao thường kéo dài ít nhất 6 – 8 tháng. Trong suốt thời gian này, người bệnh phải cố gắng dùng thuốc đều đặn và liên tục mới mong trị dứt bệnh và không bị tái phát. Có người bệnh dùng thuốc lao một thời gian thấy hết ho, hết sốt, cơ thể sinh hoạt bình thường nên cho rằng đã khỏi bệnh và tự ý ngưng thuốc. Tuy nhiên, lúc này vi khuẩn lao chưa bị tiêu diệt hoàn toàn mặc dù xét nghiệm đàm đã cho kết quả âm tính. Trong cơ thể còn lại một số lượng ít vi khuẩn lao nhưng để “đối phó”, chúng chuyển sang dạng “ngủ” khó bị tấn công và thường chỉ bị tiêu diệt hoàn toàn sau khi điều trị đủ 6 – 8 tháng. Nếu ngưng thuốc sớm, hầu như bệnh sẽ tái phát trong thời gian không lâu sau đó. Mặc dù phải uống, chích thuốc trong một thời gian dài là một thử thách lớn cho nhiều bệnh nhân nhưng người bệnh nên hết sức kiên nhẫn để đạt được mục tiêu điều trị. Nếu tự ý ngưng thuốc thì sớm muộn gì cũng phải điều trị lại lần 2 mà lần điều trị sau luôn vất vả, khó khăn hơn lần đầu, chưa kể thời gian, công sức phải mất nhiều hơn và tâm lý cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.
  • ĐỀU: Dùng thuốc đều đặn theo đúng quy định hàng ngày hoặc 3 lần mỗi tuần (tùy phác đồ). Vi khuẩn lao là chủng vi khuẩn sinh sản chậm khoảng 20 giờ một lần nên mỗi ngày chỉ uống thuốc kháng lao một lần là đủ. Uống thuốc hàng ngày nên uống khi bụng đói để thuốc được hấp thu tốt nhất. Nếu người bệnh sẵn có bệnh lý dạ dày có thể uống thuốc kháng lao lúc no nhưng cần nhớ không được uống thuốc kháng lao kèm với thuốc băng dạ dày như Phosphalugel, Maalox…Dùng thuốc lao đều đặn mới giúp vi khuẩn lao bị tiêu diệt hoàn toàn. Uống thuốc ngày có ngày không hoặc thỉnh thoảng gián đoạn rồi uống trở lại đều có thể ảnh hưởng kết quả điều trị. Vi khuẩn lao vừa bị tiêu diệt một phần sẽ phát triển trở lại trong những ngày ngưng uống thuốc và dễ bị kháng thuốc. Để nhớ uống thuốc đều đặn, chúng ta có thể:

          - Tham gia vào chương trình điều trị có giám sát ở các tổ chống lao địa phương.

          - Dùng thuốc vào thời gian cố định mỗi ngày như trước khi ăn điểm tâm, sau khi đánh răng hay trước khi uống cà phê sáng…

          - Yêu cầu người nhà hoặc bạn bè nhớ nhắc bạn uống thuốc.

          - Đánh dấu hàng ngày vào lịch mỗi khi uống thuốc.

          Tóm lại, cần phải nắm vững nguyên tắc điều trị lao là Đúng - Đủ - Đều. Tất cả những trường hợp uống thuốc lao không đúng, không đều đặn, không liên tục, không đủ liều đều có thể dẫn đến lao tái phát hoặc lao kháng thuốc.  

Các thuốc điều trị lao

          Hiện nay có 5 loại thuốc điều trị lao thông dụng được sử dụng rộng rãi trong các phác đồ của Chương trình Chống lao Quốc gia cũng như ở các phòng khám. Để điều trị khỏi bệnh lao thường phải phối hợp 4 hoặc 5 loại thuốc kháng lao với nhau trong giai đoạn tấn công, còn trong giai đoạn củng cố thường dùng 2 đến 3 loại thuốc.

Đây là các phác đồ thường sử dụng trong Chương trình Chống Lao Quốc gia, áp dụng cho tất cả các trường hợp lao phổi và lao ngoài phổi.:

  • Đối với các trường hợp bệnh lao mới được điều trị lần đầu:

           - Hai tháng đầu sử dụng phối hợp 4 thuốc Streptomycin, Rifampicin, Pyrazynamide, Isoniazide. Nếu không dùng được Streptomycin có thể thay thế bằng Ethambutol.

           - Sáu tháng sau sử dụng 2 thuốc phối hợp Ethambutol và Isoniazide.

  • Đối với các trường hợp lao tái phát, lao tái trị lại lần thứ hai:

          - Hai tháng đầu sử dụng phối hợp 5 thuốc Streptomycin, Rifampicin, Pyrazynamide, Isoniazide, Ethambutol. Tháng thứ ba dùng 4 thuốc Rifampicin, Pyrazynamide, Isoniazide, Ethambutol.

          - Năm tháng sau uống thuốc 3 lần mỗi tuần với 3 thứ thuốc: Rifampicin, Isoniazide, Ethambutol.

Các tác dụng phụ của thuốc kháng lao

          Thuốc trị bệnh lao tương đối an toàn, thỉnh thoảng có tác dụng phụ, thường nhẹ nhưng đôi lúc khá nghiêm trọng. Vì bệnh cần điều trị lâu dài, cần phải hiểu rõ các biểu hiện do tác dụng phụ của thuốc lao để có thái độ xử trí đúng đắn.

Những tác dụng phụ sau đây được coi là nhẹ nên bạn cứ tiếp tục uống thuốc điều trị:

         - Nước tiểu, phân có màu vàng sậm, đó là do Rifampicin thải ra ngoài qua đường phân và nước tiểu.

         - Da bạn nhạy cảm hơn với ánh sáng, dễ bị sạm da, đen da: nên mặc áo che các vùng da phơi ra nắng.

         - Rifampicin có thể làm cho các thuốc ngừa thai uống ít hiệu quả. Bạn nên thay đổi cách ngừa thai khác.

        Cần báo BS ngay mỗi khi bạn có những triệu chứng sau:

         - Ắn mất ngon, buồn nôn, nôn ói.

         - Vàng da, vàng mắt, đau bụng.

         - Càm giác phù, nặng mi mắt, đi tiểu ít.

         - Ngứa, “nổi mề đay” ở da.

         - Da dễ bầm, nổi chấm đỏ li ti ở da.

         - Đau khớp.

         - Chóng mặt, ù tai...

 

Các biến chứng có thể gặp trong thời gian điều trị lao

Ho ra máu
         Ho ra máu có thể là dấu hiệu cho biết lao phổi xuất hiện, cũng có thể là hậu quả của lao phổi cho dù bệnh đã được chữa khỏi. Khi chữa khỏi bệnh lao phổi, những di chứng của quá trình viêm nhiễm lâu ngày hoặc sự tạo thành các xơ sẹo sẽ khiến bệnh nhân có thể vẫn ho ra máu. Triệu chứng này cũng là dấu hiệu tái phát bệnh, cho biết sự vi khuẩn lao đã hoạt động trở lại.

         Khi có hiện tượng ho ra máu, dù nhẹ, người bệnh phải nằm nghỉ ngơi ở nơi yên tĩnh, hạn chế vận động, đi lại thật nhẹ nhàng. Phải nằm ở tư thế đầu cao hơn thân để ho khạc được hết máu ra ngoài, không đọng lại trong đường thở. So với các loại cấp cứu khác về hô hấp như khó thở, tràn khí màng phổi, tràn dịch màng phổi, ho ra máu thường gặp nhất và khá nguy hiểm. Ho ra máu có nhiều mức độ: nhẹ (chỉ dây lẫn vào đờm), nặng (hàng chục, hàng trăm ml) hoặc tối cấp (cả lít), có thể nguy hiểm đến tính mạng. Máu có thể đông lại trong phế quản, khí quản làm bít tắc đường thở, tràn ngập cả hai bên phổi. Nếu bệnh nhân lại mất một khối lượng máu đáng kể như trong ho ra máu sét đánh thì không thể cứu chữa được.
          Đầu tiên, ho ra máu có thể ở mức độ nhẹ; nhưng nếu không biết chăm sóc sẽ dẫn đến nặng dần. Ngay khi ho ra máu nhẹ, lượng máu ho ra ít, người bệnh đã phải nằm nghỉ ngơi, hạn chế vận động. Phải có ly đựng ở ngay bên cạnh để thuận tiện khi sử dụng. Không được nuốt vì máu vào dạ dày sẽ có thể gây nôn. Nên giải thích an ủi để bệnh nhân không hoang mang, lo lắng nhằm giúp nhanh cầm máu và giảm ho. Có thể cho uống thuốc an thần, giảm ho nhẹ ... Nên ăn nhẹ, nguội, chọn ăn đồ lỏng, dễ tiêu như súp, cháo. Không ăn cay và tuyệt đối cấm uống rượu.
Khi ho ra máu nặng, bệnh nhân phải nằm tại giường, nghỉ ngơi tuyệt đối. Mọi phục vụ sinh lý phải thực hiện tại chỗ.               Người bệnh nằm đầu cao. Khi ho ra máu, nghiêng đầu sang một bên, người phục vụ đứng cạnh ghé sát cốc đựng vào miệng, người bệnh chỉ việc khạc ra mà không phải cất đầu lên. Cần dùng thuốc an thần giảm ho mạnh hơn. Không nên cho người đến thăm nom nhiều hoặc đánh thức người bệnh dậy, vì rất dễ gây ho ra máu trở lại.
         Bệnh nhân ho ra máu nặng khi “lơ mơ” ngủ sẽ giảm phản xạ ho khạc do tác dụng của thuốc, khiến máu rất dễ đông lại trong đường thở. Vì vậy, cần lưu ý để tránh tình huống xấu.

Suy hô hấp mạn

         Một số trường hợp bệnh lao phổi bị phát hiện quá muộn, vi khuẩn lao đã tấn công và “gặm mòn”  và làm hư hỏng rất nhiều trong hai lá phổi. Nguyên nhân thường do người bệnh chủ quan ít quan tâm đến sức khoẻ của mình hoặc vì lý do nào đó không có điều kiện đi khám bệnh khi xuất hiện những triệu chứng ban đầu. Vì bệnh lao vốn diễn tiến khá thầm lặng, chưa ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và sức khỏe chung nên ít được chú ý nhận biết. Đến khi xuất hiện các triệu chứng nặng nề, người bệnh mới đi khám bệnh, chụp Xquang phổi thì phát hiện bệnh đã diễn tiến từ khá lâu và hai lá phổi bị tổn thương gần hết. Nếu được chữa bệnh đúng cách, tuân thủ điều trị lao theo nguyên tắc Đúng - Đủ - Đều, bệnh lao vẫn được chữa khỏi hoàn toàn. Vi khuẩn lao được tiêu diệt sạch hoàn toàn. Tuy nhiên, người bệnh vẫn không thấy khỏe. Đó là do các di chứng của bệnh lao để lại trên hai lá phổi gây cảm giác luôn khó thở, nặng ngực. Vi khuẩn lao tàn phá nhiều bộ phận trong phổi, nay tuy lành bệnh nhưng để lại nhiều vết sẹo, xơ hóa, co kéo trên phổi và những di chứng này tồn tại vĩnh viễn trên phổi.

         Để đối phó với tình trạng này, người bệnh cần tránh những công việc đòi hỏi gắng sức nhiều, dùng thuốc giãn phế quản khi có khó thở nhiều. Một số trường hợp có thiếu oxy kéo dài (đo lượng oxy trong máu quá thấp), người bệnh nên thở oxy thường xuyên tại nhà.

Phòng tránh suy hô hấp mạn do di chứng lao phổi, nên đi khám bệnh sớm ngay khi xuất hiện những triệu chứng sớm của bệnh như ho kéo dài trên 2 tuần, mệt mỏi, ăn kém, sụt cân không rõ lý do…

Điều trị lao sơ nhiễm

          Lao sơ nhiễm là tình trạng cơ thể tiếp xúc với vi khuẩn lao lần đầu tiên (xem bài Lây truyền bệnh lao). Phần lớn diễn tiến âm thầm không có triệu chứng gì, chỉ có 10% trường hợp là có sốt nhẹ, mệt mỏi, ho ít, chụp phim Xquang phổi thấy có sưng hạch trong phổi. Xét nghiệm đàm không tìm thấy vi khuẩn lao, chỉ có làm phản ứng lao tố trên da cho kết quả dương tính. Lao sơ nhiễm có biểu hiện triệu chứng thường gặp ở trẻ em hay người lớn.

Lao sơ nhiễm có cần điều trị không?

         Ở nước ta là nơi lưu hành dịch lao cao nên không điều trị đại trà cho tất cả các trường hợp lao sơ nhiễm để tránh nguy cơ kháng thuốc trong cộng đồng. Chỉ những trường hợp lao sơ nhiễm có triệu chứng mới được điều trị với công thức 6 tháng: Hai tháng đầu với Rifampicin, Pyrazynamide và Isoniazide, bốn tháng còn lại với Rifampicin và Isoniazide. Những người hoàn toàn không có triệu chứng gì nhưng có phản ứng lao tố dương tính thì không cần điều trị lao, chỉ được hướng dẫn cách tự theo dõi sức khỏe.

          Ở một số nước có độ lưu hành lao thấp (thường ở các nước phát triển như Mỹ, các nước châu Âu…), người ta điều trị cho tất cả các trường hợp lao sơ nhiễm với phản ứng lao tố dương tính dù có triệu chứng hay không. Thuốc được sử dụng là Isoniazide dùng trong 6 đến 9 tháng. Xin lưu ý, dù đang cư trú tại đâu, việc sử dụng thuốc luôn luôn cần có ý kiến của bác sĩ, nhất là các bác sĩ chuyên khoa để tránh các tác dụng không mong muốn của thuốc, tránh các nguy cơ có thể có cho bản thân và cho cộng đồng.

Chia sẻ

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Ung thư phổi là gì? Nguyên nhân bắt nguồn từ đâu?

Ung thư phổi là bệnh lý ác tính phổ biến hàng đầu tại Việt Nam cũng như thế giới. Theo thống kê, bệnh này đứng thứ 2 về tỷ lệ mắc mới và có tỷ lệ tử vong cao nhất trong số các bệnh ung thư trên toàn cầu. Trong bài viết hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về khái niệm cùng những nguyên nhân gây ung thư phổi điển hình. Mời bạn đọc tham khảo nhé!

CẦN LÀM GÌ KHI LÊN CƠN HEN SUYỄN CẤP TẠI NHÀ?

Nếu bạn đang lên cơn hen và có những triệu chứng như trên thì bạn cần phải đến phòng cấp cứu của bệnh viện gần nhất. Không nên tự đến bệnh viện một mình, hãy đi cùng với người thân hoặc bạn bè. Nếu ở một mình, hãy gọi số điện thoại cấp cứu để được chở đến bằng xe của bệnh viện.

KỸ THUẬT SỬ DỤNG BÌNH XỊT KÈM VỚI BUỒNG HÍT

Buồng hít (hoặc buồng đệm) là gì? Buồng hít (hoặc buồng đệm) là gì?

KỸ THUẬT SỬ DỤNG BÌNH XỊT HEN SUYỄN

Bình xịt là dụng cụ dùng khá phổ biến trong điều trị bệnh hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Nguyên tắc cấu tạo của bình xịt là dùng một chất đẩy thuốc (tương tự như các dụng cụ gia đình như xịt muỗi, xịt phòng) để tạo ra luồng phun gồm những hạt nhỏ li ti sau mỗi lần bóp thuốc và đưa một liều thuốc đã định lượng vào phổi bạn.

BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH VÀ THUỐC LÁ

Tình hình hút thuốc lá trên thế giới và trong nước

SUY DINH DƯỠNG Ở BỆNH NHÂN BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH

Từ xưa đến nay, ông bà ta đã biết rằng dinh dưỡng là một trong những phương pháp cần thiết để giữ gìn sức khỏe, khắc phục bệnh tật, kéo dài tuổi thọ. Đối với những người phải chịu đựng những bệnh tật khác nhau, dinh dưỡng còn là một biện pháp hỗ trợ giúp tăng cường sức khỏe làm cho căn bệnh phục hồi nhanh chóng hơn. Còn đối với một số căn bệnh được gọi là “mãn tính” tức là kéo dài rất nhiều năm cho đến cuối đời như bệnh tiểu đường, cao huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính…, biết cách dinh dưỡng hợp lý không chỉ có tác dụng hỗ trợ mà còn được xem là một biện pháp điều trị cần thiết giúp cho người bệnh có thể “sống chung hòa bình” với căn bệnh. Đặc biệt đối với bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, điều chỉnh dinh dưỡng được xem là một trong biện pháp điều trị không dùng thuốc có vai trò quan trọng trong việc tăng cường chất lượng cuộc sống của người bệnh.    

ĐẶT LỊCH NGAY

BS Oanh

 Thứ 2, Thứ 3, Thứ 5, Thứ 6: 18 – 20g

Thứ 7: 7g30 – 9g30

 

BS Trí

Thứ 4: 18 - 20g

 

HOTLINE LIÊN HỆ: 0908 120 626