HỎI ĐÁP VỀ BỆNH LAO

09/09/2022
DỊCH VỤ
Lượt xem: 1933

HỎI ĐÁP VỀ BỆNH LAO

CÂU 1: Tôi cảm thấy mệt mỏi, biếng ăn, đau nhói sau lưng và ho húng hắng khoảng hai tuần nay. Làm sao tôi biết tôi có mắc bệnh lao hay không?

           Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, nếu thấy ho khạc kéo dài trên ba tuần, uống thuốc ho thông thường không khỏi, kèm thêm mỏi mệt hoặc sốt nhẹ về chiều thì nên đi khám bệnh và làm xét nghiệm đàm tại cơ sở y tế địa phương. Tại đây bạn sẽ được xét nghiệm đàm 3 lần để tìm vi khuẩn lao và chụp Xquang phổi kiểm tra. Xét nghiệm đàm là một xét nghiệm có tính chất quyết định trong chẩn đoán nên bạn cần khạc đàm đúng cách để có kết quả chính xác. Căn cứ vào các kết quả này, bác sĩ sẽ cho bạn biềt bạn có mắc bệnh lao hay không. Nếu bạn không muốn hoặc không có điều kiện đến khám tại y tế địa phương, bạn có thể đến các Trạm chống lao cấp huyện, cấp tỉnh hoặc Thành phố hoặc các bệnh viện chuyên khoa Lao hoặc chuyên khoa hô hấp để được chẩn đoán bệnh. Việc định bệnh sớm sẽ giúp cho việc chữa trị dễ dàng hơn.

Câu 2: Tuần trước, tôi có dịp chuyện trò thân mật với một người bạn cũ khoảng vài giờ nhưng tôi mới vừa nhận được tin người bạn ấy mắc bệnh lao. Tôi có bị lây bệnh lao hay không?

          Mặc dù lao là bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp nhưng sự nhiễm bệnh lao chỉ thường xảy ra khi tiếp xúc thân cận với người bệnh trong một thời gian dài. Việc gặp gỡ thoáng qua một vài lần hoặc trong vài giờ đồng hồ thì hiếm khi bị lây nhiễm lao.

          Nếu giả sử bạn tiếp xúc thường xuyên hơn với một người bị bệnh lao thì có thể bạn chỉ bị nhiễm lao chứ chưa bị mắc bệnh lao ngay. Trong đa số trường hợp, vi khuẩn lao sẽ xâm nhập vào cơ thể bạn một cách lặng lẽ, nằm im chờ đợi thời cơ và sẽ phát thành bệnh lao thực sự sau một thời gian. Khoảng thời gian này dài hoặc ngắn rất thay đổi, tùy thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có sức đề kháng của cơ thể bạn. Nếu sức đề kháng của bạn rất kém, bạn mới có thể mắc bệnh lao ngay sau khi nhiễm lao lần đầu tiên.

Câu 3: Cách đây hai năm, tôi đi khám bệnh và được bác sĩ chẩn đoán là lao phổi, được chuyển đến trạm chống lao gần nhà để điều trị. Uống và chích thuốc khoảng ba tháng vì bận công tác xa và cảm thấy khoẻ nên tôi đã tự ý ngưng thuốc. Hiện giờ tôi vẫn khoẻ bình thường, thỉnh thoảng có cảm sốt mệt mỏi thoáng qua rồi hết. Tôi phải làm gì? Bệnh lao tôi đã khỏi chưa?

          Để điều trị bệnh lao, cần phải tiêu diệt sạch hoàn toàn những vi khuẩn lao đã xâm nhâp vào cơ thể. Muốn được như vậy, người bệnh phải tuân thủ việc điều trị một cách nghiêm túc, cần tuân thủ nguyên tắc điều trị lao “ĐÚNG - ĐỦ - ĐỀU”. Thời gian điều trị chỉ kéo dài 3 tháng không đủ để tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn lao, lại có nguy cơ làm cho vi khuẩn lao trở nên kháng thuốc rất nguy hiểm. Bạn nên đến các trạm chống lao địa phương hoặc bệnh viện chuyên khoa hô hấp càng sớm càng tốt. Tại đây, bạn sẽ được xét nghiệm đàm, chụp Xquang phổi để chẩn đoán xác định lại bệnh lao phổi của bạn, sau đó sẽ được tái điều trị thuốc kháng lao lần 2. Ở lần điều trị này, bạn nên hết sức tuân thủ nguyên tắc điều trị lao mới mong hết bệnh vì cơ hội trị khỏi bệnh đã kém hơn nhiều so với lần điều trị đầu tiên.

Câu 4: Tôi mắc bệnh lao và đang điều trị được một tháng. Tôi có thể sinh hoạt vợ chồng với vợ tôi được không?

          Bệnh lao gây ra do lây nhiễm qua đường hô hấp có nghĩa là vi khuẩn gây bệnh lây lan từ người này sang người khác do tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp qua đường hô hấp. Bệnh không lây lan khi sờ đụng vào nhau, bắt tay chào hỏi, dùng chung bát đĩa, quần áo, chăn gối, phòng vệ sinh, phòng tắm hay khi quan hệ tình dục.

Câu 5: Con tôi lúc mới sinh đã được tiên chủng lao BCG nhưng chỗ tiêm chích không tạo sẹo như anh của cháu. Nay cháu đã được 3 tháng tuổi. Tôi phải làm gì?

          Sau khi tiêm BCG khoảng vài tuần, chỗ tiêm sẽ tạo phản ứng giống như là mưng mủ, rồi loét. Hiện tượng này kéo dài vài tuần đến vài tháng thì đóng vảy và tạo nên vết sẹo do tiêm BCG trên vai trái. Vết sẹo này chính là dấu hiệu cho biết trẻ đã được tiêm phòng bệnh lao và mũi tiêm đã tạo được miễn dịch tốt. Nếu chỗ tiêm của cháu không tạo sẹo chứng tỏ cháu chưa có miễn dịch với vi khuẩn lao. Bạn nên đưa cháu đến bệnh viện (nơi cháu sinh) để được tiêm chủng lại.

Câu 6: Con gái tôi 2 tháng tuổi đã được tiêm chủng đầy đủ. Khoảng 1 tháng nay nách trái của cháu nổi một khối hạch to mưng mủ và chảy dịch màu trắng. Cháu vẫn chịu bú sữa và lên cân bình thường. Đi khám bác sĩ gần nhà được chẩn đoán là hạch lao. Tại sao cháu đã tiêm ngừa đầy đủ mà vẫn bị lao, cháu có phải điều trị lao không? Điều trị trong bao lâu?

          Con gái bạn bị sưng hạch nách bên trái tức là cùng bên với chỗ tiêm BCG, lại xuất hiện khoảng một tháng sau khi tiêm và thể trạng cháu vẫn khỏe nên có thể chẩn đoán đây là viêm hạch do tiêm BCG chứ không phải bị lao hạch. Có khoảng 1% trẻ sau tiêm BCG có thể gặp biến chứng này. Thời gian nổi hạch có thể kéo dài từ 1 đến 6 tháng. Hạch này có thể hóa mủ, chảy dịch rồi lành tự nhiên. Đây chỉ là phản ứng miễn dịch của cơ thể quá mạnh, nên không cần điều trị lao. Chỉ cần giữ vệ sinh tốt chỗ hạch bị mưng mủ và chảy dịch để tránh nhiễm thêm vi khuẩn bên ngoài vào vết thương. Nếu chưa an tâm, bạn có thể đưa cháu đến khám tại khoa Nhi của bệnh viện Lao địa phương hoặc bệnh viện Phạm Ngọc Thạch để xác định chẩn đoán.

Câu 7: Mẹ tôi bị mắc bệnh lao, vừa được bác sĩ cho xuất viện sau hai tuần nằm viện. Tôi đưa mẹ về nhà tôi chăm sóc nhưng rất băn khoăn vì nghe nói bệnh này rất lây, nhà tôi lại có hai cháu nhỏ 5 tuổi và 3 tuổi. Tôi phải cách ly mẹ tôi ra sao?

          Người lớn tuổi bị mắc bệnh lao rất cần được chăm sóc chu đáo và tế nhị. Bạn cần giải thích và động viên mẹ bạn tuân thủ việc điều trị, chú ý theo dõi các tác dụng phụ có thể có, chú ý vấn đề dinh dưỡng giúp cơ thể mau hồi phục. Về khả năng lây bệnh cho người nhà, nếu mẹ bạn bị lao phổi thì cần hết sức thận trọng để tránh lây bệnh cho hai cháu nhỏ. Nên sắp xếp bà nằm ở khu vực riêng biệt trong nhà, giải thích một cách khéo léo cho bà về khả năng lây của bệnh và cách chống lây nhiễm bệnh cho người khác (khạc đàm vào hũ có nắp đậy, mang khẩu trang, tránh gần gũi hôn hít các cháu…). Cần phải hết sức tế nhị để tránh tâm lý hờn giận trách móc của người già (nếu ngại nói trực tiếp với bà có thể đưa tài liệu hướng dẫn phòng tránh lao, nhờ bác sĩ tư vấn…)

Câu 8: Tôi được bác sĩ chẩn đoán là lao phổi và cho uống thuốc lao khoảng hai tuần nay. Khi uống thuốc vào tôi thấy người mệt mỏi, bải hoải không muốn làm bất cứ việc gì, chỉ muốn nằm nghỉ và ngủ. Tôi không thể nghỉ làm việc vì là lao động chính của gia đình nhưng cũng không dám ngưng uống thuốc vì sợ bệnh sẽ trầm trọng hơn. Tôi phải làm gì để hết bệnh?

          Tình trạng của bạn nêu ra xuất hiện từ sau khi uống thuốc lao cho thấy có thể bạn đang chịu đựng các tác dụng không mong muốn của thuốc kháng lao. Ngoài tác dụng tiêu diệt vi khuẩn lao, thuốc kháng lao có thể gây ra các tác dụng không mong muốn như mệt mỏi, suy nhược, ăn không thấy ngon…. Các tác dụng không mong muốn này thường nhẹ nhưng cũng có lúc khá nghiêm trọng và ảnh hưởng nặng nề đến sinh hoạt, công việc hàng ngày của người bệnh.  Phần lớn trường hợp các triệu chứng này sẽ giảm dần sau vài ba tuần nhưng cũng có trường hợp kéo dài rất lâu. Khi đó bạn nên trình bày với bác sĩ điều trị để được tư vấn hướng dẫn, xét nghiệm chức năng gan theo dõi và cân nhắc việc thay thế thuốc nếu cần. 

Câu 9: Chị tôi đang điều trị lao được hơn 1 tháng thì phát hiện có thai. Vì trước đây đã hư thai hai lần nên cả hai bệnh nội ngoại đều trông chờ đứa cháu. Nghe nói thuốc lao rất độc nên chị đã ngưng uống thuốc lao vì sợ ảnh hưởng bào thai. Chị ấy làm thế có đúng không?

          Trong số các thuốc kháng lao thường dùng hiện nay, chỉ có Streptomycin là có thể gây điếc bẩm sinh cho bào thai và không được dùng cho sản phụ trong suốt 9 tháng của thai kỳ. Các thuốc điều trị lao còn lại (Rifampicin, Pyrazynamide, Isoniazide, Ethambutol) đều không ảnh hưởng đến thai nhi. Nếu chị của bạn đang chích Streptomycin mà cấn thai thì cần báo ngay cho bác sĩ điều trị để được thay thế bằng thuốc khác. Nếu chị của bạn đang sử dụng phác đồ không có Streptomycin hoặc đã qua giai đoạn củng cố (sau 2 tháng) thì không cần phải đổi thuốc. Cần nhấn mạnh chính việc không điều trị lao mới gây ảnh hưởng đến thai nhi. Nếu sản phụ mắc bệnh lao mà không được điều trị thì vi trùng lao có thể theo đường máu lan tràn nhiều nơi trong cơ thể, kể cả theo cuống rốn đến bào thai và gây ra bệnh lao bẩm sinh ở trẻ. Kế đến, người mẹ mắc bệnh lao mà không điều trị sẽ trở thành nguồn lây bệnh cho trẻ: vi khuẩn lao từ đường hô hấp của mẹ sẽ lây trực tiếp sang trẻ sơ sinh từ những ngày đầu tiên chào đời. Vì vậy, chị của bạn nên báo cho bác sĩ về tình trạng có thai và tiếp tục uống thuốc kháng lao theo hướng dẫn của bác sĩ.

Câu 10: Tôi đi xét nghiệm và biết mình đã bị nhiễm HIV cách đây 2 năm. Tôi đã cố gắng rất nhiều mới vượt qua cú sốc lớn lúc đó. Gần đây, thấy trong người không khoẻ, tôi đi khám và được chẩn đoán là bệnh lao phổi. Hiện nay tôi rất chán nản vì nghe nói nhiễm HIV mà bị lao là bệnh đã qua giai đoạn cuối và khó điều trị. Tôi phải làm gì?

          Lao phổi là căn bệnh nhiễm trùng dễ bị mắc phải nhất ở người nhiễm HIV. Người nhiễm HIV mà mắc bệnh lao tức là đã bước qua giai đoạn AIDS, tức là bệnh đã nặng hơn. Tuy nhiên bạn không nên bi quan, chán nản vì điều trị lao cho người nhiễm HIV – AIDS vẫn mang lại những kết quả tốt. Điều trị lao đúng cách cho người nhiễm HIV mắc lao có thể kéo dài đời sống thêm 2 năm hoặc hơn nữa. Ngược lại, người nhiễm HIV mắc bệnh lao mà không điều trị thì sẽ tử vong trong vòng 6 tháng đến 1 năm. Bạn nên đến các trạm chống lao địa phương hoặc phòng khám chuyên khoa lao để được điều trị lao càng sớm càng tốt, và cũng nên báo cho bác sĩ biết tình trạng nhiễm HIV của mình để được dùng thuốc thích hợp và theo dõi bệnh đầy đủ. Nếu bạn đang dùng thuốc đặc trị HIV, bạn cũng cần báo cho bác sĩ điều trị của mình các thuốc kháng lao đang sử dụng để tránh sự tương kỵ khi dùng đồng thời hai thứ thuốc. Ngoài ra, yếu tố tinh thần cũng rất quan trọng. Sống lành mạnh, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, giữ tinh thần lạc quan vui vẻ, theo dõi và tư vấn sức khoẻ thường xuyên về lao – HIV là những biện pháp giúp bạn nhanh chóng chữa khỏi bệnh lao.

 

Chia sẻ

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BỆNH HEN SUYỄN LÀ GÌ?

Hen suyễn là bệnh có từ rất lâu đời nhưng khoảng nửa thế kỷ gần đây, bệnh mới được chú ý và có thêm nhiều biện pháp chữa trị bệnh tiên tiến. Điều đáng lo ngại là tỉ lệ người mắc bệnh hen suyễn ngày càng tăng cao trên thế giới, nhất là ở những vùng đô thị, công nghiệp hoá cao và sự gia tăng này dường như song song với tốc độ công nghiệp hoá.

ĐẶT LỊCH NGAY

BS Oanh

 Thứ 2, Thứ 3, Thứ 5, Thứ 6: 18 – 20g

Thứ 7: 7g30 – 9g30

 

BS Trí

Thứ 4: 18 - 20g

 

HOTLINE LIÊN HỆ: 0908 120 626