Sức đề kháng của trẻ
Trẻ em thường có sức đề kháng rất yếu, nhất là các cháu ở lứa tuổi nhũ nhi. Trong 6 tháng đầu đời, sức đề kháng của trẻ là do kháng thể (chất bảo vệ cơ thể) từ máu của mẹ theo dòng tuần hoàn sang bào thai và tồn tại trong cơ thể trẻ cho đến lúc sinh ra. Lượng kháng thể của mẹ này sẽ giảm dần và mất hẳn, trong khi đó kháng thể của trẻ sẽ dần dần hình thành và đủ sức bảo vệ trẻ sau khoảng nhiều tháng đến một năm. Trong giai đoạn “giao thời” đó, nếu trẻ bị tiếp xúc thường xuyên với vi khuẩn lao (trong gia đình có người mắc bệnh lao) trẻ rất dễ bị nhiễm bệnh. Nếu trẻ sinh thiếu tháng, trẻ suy dinh dưỡng, trẻ mắc bệnh tật bẩm sinh… thì càng dễ bị nhiễm lao do sức đề kháng của các cháu này càng kém. Trẻ em dưới 5 tuổi thường dễ bị lao hơn so với trẻ lớn
Lao sơ nhiễm
Trong thời kỳ tiếp xúc với vi khuẩn lao lần đầu tiên, nếu là người lớn thường ít khi biểu hiện triệu chứng. Nếu không may trẻ bị tiếp xúc với vi khuẩn lao thì trẻ thường có biểu hiện như sốt nhẹ, ho dai dẳng, chậm lên cân. Nếu trẻ đến khám, trẻ sẽ được khám tổng quát, chụp Xquang phổi và cần thiết nhất là làm phản ứng lao tố (còn gọi là xét nghiệm IDR). Trẻ sẽ được tiêm vào da 0,1 ml chất lấy từ vi khuẩn lao và kết quả sẽ được đọc sau 48 – 72 giờ. Nếu kết quả dương tính, hình ảnh trên phim Xquang phổi phù hợp, trẻ sẽ được chẩn đoán là lao sơ nhiễm. Trẻ bị lao sơ nhiễm không có vi khuẩn lao trong đàm vì vậy không gây lây lan bệnh cho trẻ khác. Điều trị lao sơ nhiễm chỉ nhằm hạn chế sự phát triển của vi khuẩn lao trong cơ thể trẻ và ngăn chặn không cho lao sơ nhiễm tiến triển thành lao bệnh.
Bệnh lao ở trẻ em
Sau khi đã nhiễm lao (có triệu chứng hoặc không có triệu chứng), nếu sức đề kháng kém, trẻ sẽ nhanh chóng tiến triển thành lao bệnh. Lao phổi vẫn là thể bệnh lao thường gặp nhất so với lao ở các cơ quan khác. Nếu trẻ bị lao phổi nặng, trẻ rất dễ bị suy hô hấp. Đối với các thể lao ngoài phổi, trẻ dễ bị mắc lao màng não hoặc lao màng não đi kèm với lao kê hơn so với người lớn. Đây là hai thể bệnh lao nặng nề nhất, diễn tiến trầm trọng, rất dễ tử vong. Nếu lao màng não được phát hiện trễ, trẻ đã bị hôn mê thì tiên lượng càng xấu. Nhiều trường hợp lao màng não đã được chữa lành, sạch hết vi khuẩn lao nhưng để lai di chứng nặng nề cho trẻ. Có trẻ không thể tỉnh lại và mãi mãi sống đời sống thực vật. Có trẻ hồi phục được một phần nhưng căn bệnh đã ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển trí tuệ của trẻ nên trẻ không thể đến trường và gặp nhiều khó khăn trong việc thích nghi với đời sống xã hội sau này. Bị mắc lao màng não ở tuổi càng nhỏ, trẻ càng dễ bị di chứng trên não hơn.
Phát hiện bệnh lao ở trẻ em gặp nhiều khó khăn hơn người lớn, nhất là ở trẻ càng nhỏ. Trẻ chưa biết nói hoặc chưa biết mô tả chính xác các triệu chứng của bệnh. Vì vậy cần lưu ý khi trẻ có các biểu hiện quấy khóc, bỏ bú, bỏ ăn, chậm lên cân, sốt chiều hay đổ mồ hôi trộm. Trẻ cũng thường không biết khạc đàm nên xét nghiệm đàm tìm vi khuẩn lao thường kém chính xác.
Tóm lại, bệnh lao ở trẻ em thường khó chẩn đoán, bệnh dễ dẫn đến các thể lao nặng ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng cũng như đời sống của trẻ. Tốt nhất là nên phòng tránh để bệnh đừng xảy ra.
Phòng tránh lao ở trẻ em
Ông cha ta đã nói “Phòng bệnh tốt hơn chữa bệnh”, và trong trường hợp này câu nói trên lại càng đúng. Do môi trường tiếp xúc của trẻ phần lớn là trong gia đình, việc phòng tránh lao cho trẻ trước hết là từ gia đình. Cần thực hiện các việc sau:
- Kiểm tra sức khoẻ sớm những thành viên trong gia đình có biểu hiện ho kéo dài trên 2 tuần, nhất là những người hay gần gũi, ẳm bồng, chăm sóc trẻ, kể cả những người phụ giúp việc trong gia đình.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng hoặc một năm tất cả các thành viên trong gia đình.
- Tiêm phòng vắc xin BCG cho trẻ ngay khi trẻ mới sinh theo chương trình tiêm chủng mở rộng và nhắc lại khi trẻ 15 tuổi. BCG tuy không phòng ngừa lao tuyệt đối nhưng giúp hạn chế những diễn tiến nặng của bệnh.
- Tăng sức đề kháng của trẻ: bú sữa mẹ sớm, chống còi xương, cho trẻ ăn đầy đủ các thành phần dinh dưỡng, tập vận động, tiêm chủng đầy đủ, chữa trị các bệnh kéo dài của trẻ nếu có.
- Phát hiện sớm lao sơ nhiễm ở trẻ nếu có triệu chứng và điều trị để phòng tránh lao nhiễm chuyển thành lao bệnh.
Phản ứng của trẻ sau tiêm BCG
Một số trẻ sau tiêm vắc xin BCG về nhà có thể bị sốt. Đó là phản ứng bình thường của cơ thể đáp ứng với miễn dịch, nên không có gì phải lo lắng. Các trường hợp sốt nhẹ (dưới 380C), chỉ cần lau mát cho trẻ là đủ. Nếu sốt trên 380C, có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt thông thường.
Vùng vai bên trái của trẻ tại vị trí tiêm (vị trí tiêm quy định) sẽ tạo phản ứng giống như là mưng mủ, rồi loét. Hiện tượng này kéo dài vài tuần đến vài tháng thì đóng vảy và tạo nên một vết sẹo nhỏ “xinh” trên vai. Đường kính của vết sẹo thông thường là 5-8mm. Đây chính là dấu hiệu cho biết trẻ đã được tiêm phòng bệnh lao và mũi tiêm đã tạo được miễn dịch tốt. Điều lưu ý là trong quá trình “chờ” tạo sẹo, cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ nhằm tránh để vết loét bị bội nhiễm, sau này sẽ thành sẹo xấu hoặc làm phức tạp quá trình theo dõi và điều trị. Có một số trường hợp “làm dữ”, vết mưng mủ lớn kéo dài hơn 3 tháng, cán bộ y tế sẽ hướng dẫn cách dùng bột INH rắc hoặc dung dịch INH (Rimifon) bôi tại chỗ.
Khoảng 1% trẻ sau tiêm có thể gặp biến chứng nổi hạch nách trái (bên cùng với vai tiêm). Thời gian nổi hạch có thể kéo dài từ 1 đến 6 tháng. Hạch này có thể hóa mủ, chảy dịch rồi lành tự nhiên. Đây không phải là bệnh lao hạch, mà chỉ là phản ứng miễn dịch của cơ thể quá mạnh, nên không điều trị như là bệnh nhân mắc bệnh lao hạch.