Mặc dù vậy, không có nghĩa là người mắc bệnh hen suyễn phải vất vả đối phó với căn bệnh suốt cả cuộc đời. Bệnh hen suyễn là một căn bệnh rất thay đổi theo năm tháng. Có khi bệnh xuất hiện từ lúc lên ba, tái đi tái lại thường xuyên khiến bố mẹ bạn lo âu đưa bạn đi khám bệnh hết nơi này đến nơi khác nhưng bệnh lại đột nhiên biến mất khi bạn bước vào tuổi dậy thì trắng da dài tóc hay ồm ồm vỡ giọng. Bệnh có thể ‘im hơi lặng tiếng’ suốt nhiều năm hay nhiều chục năm rồi ‘tái xuất giang hồ’ khi bạn thai nghén hay có những thay đổi môi trường bên ngoài (thay đổi chỗ ở, việc làm…) hay những thay đổi của môi trường bên trong (tuổi già, thay đổi nội tiết, mắc bệnh khác…), bệnh có thể xuất hiện trở lại. Các nhà khoa học cũng chưa biết được một cách rõ ràng và chính xác lúc nào căn bệnh ‘tự nhiên biến mất’ hay ‘tự nhiên xuất hiện lại’. Thái độ đúng của bạn là sẽ đối phó với bệnh khi nào bệnh quay trở lại và tìm cách để cho căn bệnh ‘biến mất’ hay không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của bạn hay còn gọi là “Kiểm soát tốt bệnh hen suyễn”
Kiểm soát hen tốt là gì?
Vì ta không thể chữa dứt hoàn toàn bệnh hen suyễn, ta phải tìm cách khống chế căn bệnh để chúng ta có thể sống chung với bệnh một cách khỏe mạnh. Kiểm soát bệnh hen suyễn tức là làm cho căn bệnh không ảnh hưởng đến tính mạng và cuộc sống của bạn, bạn vẫn có thể đi học, đi làm, đảm nhiệm các công việc trong gia đình và xã hội, đời sống tinh thần không bị xáo trộn, lo lắng vì căn bệnh…Đây cũng là mục tiêu mà chúng ta cần đạt được khi chữa trị bệnh hen suyễn, tức là phải điều trị bệnh hen suyễn như thế nào để chúng ta có thể “sống chung hòa bình” với căn bệnh thì việc điều trị này mới đạt yêu cầu.
Các nhà khoa học đưa ra những tiêu chuẩn rất cụ thể để đánh giá một người bệnh hen suyễn đạt được kiểm soát hen tốt. Đó là: Bạn không phải thức dậy ban đêm vì cơn hen làm mất giấc ngủ; Công việc hoặc việc học hành của bạn không bị ảnh hưởng bởi căn bệnh; Triệu chứng hen xảy ra vào ban ngày không quá 2 lần mỗi tuần và nếu phải sử dụng thuốc cắt cơn cũng không quá 2 lần mỗi tuần; Chức năng hô hấp của bạn vẫn còn bình thường và bạn không phải cấp cứu vì cơn suyễn nặng. Nếu những tiêu chuẩn trên chưa đạt được, việc điều trị bệnh hen suyễn của bạn còn chưa tốt và bạn cùng với bác sĩ của bạn cần phải nỗ lực hơn nữa để đạt được tối ưu trong điều trị.
Phân biệt hai nhóm thuốc điều trị hen suyễn
Để có thể sống chung với bệnh hen suyễn, ta cần hiểu rõ căn bệnh cũng như hiểu rõ về các thuốc điều trị, cụ thể là chúng ta cần hiểu công dụng của thuốc và biết được khi nào cần sử dụng loại thuốc nào. Có khá nhiều loại thuốc dùng điều trị hen suyễn nhưng nhìn chung, chúng được chia thành 2 nhóm: nhóm thuốc cắt cơn hen và nhóm thuốc ngừa cơn.
- Nhóm thuốc cắt cơn hen:
Đây là nhóm thuốc có tác dụng làm giãn nở các phế quản đang bị co thắt lại nhờ đó chặn đứng cảm giác nghẹt thở, khó thở của cơn hen. Có loại thuốc dùng đường uống hoặc tiêm chích và cũng có loại thuốc đưa trực tiếp vào đường hô hấp gọi là thuốc đường hít. (Xem bài Kỹ thuật sử dụng thuốc đường hít). Khi sử dụng thuốc cắt cơn đường hít, chỉ sau vài phút người bệnh thấy khỏe lại, cảm giác khó thở biến mất nhanh chóng, ‘khối đá nặng nề’ đang đè trên ngực bỗng dưng biến mất một cách thần kỳ chẳng khác nào phép tiên. Thuốc cắt cơn hen được ưu tiên sử dụng để chặn đứng cơn hen suyễn cấp và nên được dùng sớm để tránh những diễn tiến nặng của cơn hen. Có một số người có tâm lý ngán ngại dùng thuốc đường hít, hoặc có tâm lý “để dành”, hoặc vì sợ “lờn thuốc” chờ đến khi cơn suyễn diễn tiến nặng mới sử dụng đến dạng thuốc này. Khi sử dụng muộn, hiệu quả của thuốc không như lúc đầu vì các phế quản co thắt nhiều, người bệnh không còn đủ sức hít mạnh để đưa thuốc vào phổi. Các thuốc cắt cơn hen đường hít tác dụng rất nhanh nhưng thời gian duy trì tác dụng đó không lâu, chỉ khoảng 30 phút đến 3 – 4 giờ. Nếu cơn suyễn nhẹ và tác nhân gây cơn hen đã được ngăn chặn, cơn hen có thể kết thúc sau đó nhưng nếu cơn hen diễn tiến nặng, người bệnh vẫn còn tiếp tục tiếp xúc với ‘thủ phạm’ gây cơn hen thì cơn hen sẽ xuất hiện trở lại chỉ sau vài giờ.
Như vậy, các thuốc cắt cơn hen có thể giúp chận đứng cơn hen rất hiệu quả nhưng chỉ có tác dụng chữa trị triệu chứng khó thở do co thắt phế quản mà thôi và khi tác dụng của thuốc không còn nữa thì “mèo lại hoàn mèo”, các phế quản có thể sẽ co thắt trở lại như cũ.
Các thuốc cắt cơn hen thường có trên thị trường Việt Nam hiện nay là: Ventolin®, Bricanyl®, Berodual®, Combivent®,Asthalin®…
- Thuốc ngừa cơn hen:
Các phế quản của người mắc bệnh hen suyễn có hiện tượng sưng viêm mạn tính và chính tình trạng sưng viêm mạn tính này làm cho các phế quản dễ bị ‘phản ứng’ và co thắt lại khi gặp các tác nhân khởi phát cơn hen. Các thuốc ngừa cơn hen có tác dụng làm giảm bớt tình trạng sưng viêm của các phế quản, nhờ vậy khi gặp phải các tác nhân gây cơn hen, chúng không còn “phản ứng co thắt” nữa hoặc nếu có thì phản ứng cũng bớt “gay gắt” hơn. Các thuốc ngừa cơn hen hiệu quả hiện nay là các thuốc kháng viêm đường hít. Khi sử dụng các thuốc kháng viêm đường hít này đều đặn hàng ngày, tình trạng viêm ở các phế quản sẽ ổn định lại dần dần và sau một thời gian, các cơn hen suyễn cấp sẽ thưa dần, ít xảy ra hơn và nếu có xảy ra cũng nhẹ hơn, dễ khống chế hơn. Vì đây là các thuốc có tác dụng kháng viêm và không có tác dụng giãn phế quản ngay tức thời nên khi đang lên cơn mệt, khó thở mà lấy ra sử dụng thường sẽ không cắt được cơn hen.
Như vậy, các thuốc ngừa cơn hen có tác dụng phòng ngừa các cơn hen, làm cho các cơn hen không xuất hiện hoặc ít xuất hiện hơn nhưng không có hiệu quả chận đứng cơn hen ngay tức thời.
Các thuốc ngừa cơn thường sử dụng trên thị trường Việt Nam hiện nay là Seretide®, Symbicort®, Flixotide®…
Sử dụng thuốc cắt cơn và thuốc ngừa cơn để kiểm soát tốt bệnh hen suyễn
Như vậy, bạn cần hiểu rõ công dụng của các loại thuốc trị hen suyễn mình đang sở hữu để có thể sử dụng thuốc đúng, tránh sự lẫn lộn giữa 2 loại thuốc. Nếu chưa hiểu rõ bạn nên nhờ bác sĩ tham vấn để nắm vững việc sử dụng thuốc. Chúng ta có thể hình dung việc dùng thuốc cắt cơn và ngừa cơn hen tưong tự như việc chữa trị cây bị sâu bệnh. Dùng thuốc cắt cơn hen cũng giống như chữa trị ở ngọn cây, ngắt bỏ những cành lá bị sâu bệnh: có thể giải quyết hiện tượng ngay lúc đó nhưng lại xuất hiện cành lá sâu bệnh ở những nơi khác. Ngược lại, dùng thuốc ngừa cơn hen tức là chữa trị tận gốc rễ của cây, lúc đầu vẫn còn nhìn thấy những cành lá sâu bệnh nhưng sau một thời gian thuốc ngấm dần, cây sẽ phát triển tươi tốt và không còn dấu hiệu của bệnh tật nữa.
Sử dụng thuốc ngừa cơn cần phải dùng thuốc đều đặn mỗi ngày thì sau một thời gian, các phế quản nhỏ không còn viêm nữa và sẽ không còn phản ứng co thắt khi gặp các tác nhân gây cơn hen, khi đó người bệnh sẽ không còn bị ‘lên cơn’ hen suyễn cấp tính và ta có thể nói rằng bệnh hen đã được kiểm soát triệt để. Điều cần lưu ý là nếu dùng thuốc ngừa cơn không đều, ngày có ngày không, bữa quên bữa nhớ bạn sẽ không đạt được hiệu quả như trên. Khi đã kiểm soát tốt bệnh hen, bạn vẫn phải tiếp tục dùng thuốc ngừa cơn hen một thời gian tối thiểu 3 tháng nữa; sau đó bác sĩ của bạn sẽ cân nhắc việc giảm liều thuốc hoặc ngưng thuốc cho bạn.
Nếu bạn đang sử dụng thuốc ngừa cơn mà vẫn chưa kiểm soát tốt bệnh hen suyễn, tức là vẫn phải thức giấc ban đêm vì cơn hen, vẫn phải dùng thuốc cắt cơn nhiều lần trong tuần hay phải hạn chế hoạt động trong ngày vì khó thở…, bạn cần đến tái khám sớm. Bác sĩ sẽ đánh giá lại việc tuân thủ điều trị của bạn, cách sử dụng thuốc đường hít của bạn có đúng cách chưa, xem xét các yếu tố khác của cơ thể có thể ảnh hưởng đến bệnh và cân nhắc việc tăng liều thuốc nếu cần.
Tự theo dõi bệnh và xây dựng bản kế hoạch hành động
Kiểm soát bệnh hen một cách triệt để là mục tiêu bạn cần đạt được khi điều trị bệnh hen suyễn. Khi bệnh hen đã được kiểm soát tốt, bạn còn phải duy trì ổn định tình trạng ‘kiểm soát tốt’ này và dự phòng cách đối phó với các diễn tiến ngoài ý muốn. Có nhiều biện pháp giúp bạn tự theo dõi tình trạng bệnh của mình. Bạn có thể sử dụng bộ câu hỏi bao gồm 5 câu hỏi với nhiều lựa chọn trả lời xoay quanh tình trạng bệnh của mình, nếu trả lời tốt hầu hết các câu hỏi và đạt điểm cao 23 – 25 điểm, bệnh hen suyễn của bạn đang được kiểm soát tốt. Bạn cũng có thể tự theo dõi bệnh bằng cách dùng một dụng cụ gọi là lưu lượng đỉnh kế. Dụng cụ này đo lường luồng khí thổi ra từ phổi của bạn để đánh giá mức độ co thắt phế quản. Bạn cần thực hiện đo lưu lượng đỉnh kế ngày 2 lần, sáng và tối và đánh dấu vào bảng theo dõi. Nếu các số liệu trên bảng theo dõi rơi vào vùng cảnh báo hoặc nguy hiểm cho thấy bệnh hen của bạn đang diễn tiến không tốt.
Bạn cũng cần chuẩn bị cách đối phó với các diễn tiến xấu của bệnh bằng cách cùng với bác sĩ của bạn xây dựng bản kế hoạch hành động. Bản kế hoạch hành động này sẽ hướng dẫn chi tiết cho bạn cách xử trí khi gặp những tình huống thay đổi của căn bệnh, khi lên cơn hen suyễn cấp hoặc trở nên kiểm soát kém, cách sử dụng thuốc ra sao, cần dùng thêm những loại thuốc nào, khi nào cần đi khám, khi nào phải nhập viện cấp cứu…Nhờ vậy, bạn biết cách dự phòng khi bệnh có khuynh hướng diễn tiến nặng, biết cách xử trí cơn hen cấp một cách hợp lý và kiểm soát được bệnh dễ dàng hơn.
Tóm lại, để kiểm soát tốt bệnh hen, phải phòng tránh cơn hen xảy ra bằng cách dùng thuốc ngừa cơn hen đều đặn, phòng tránh các tác nhân có thể gây cơn hen đồng thời biết cách xử trí tốt khi cơn hen cấp xuất hiện.