Khi người bệnh lao ho, hắt hơi hoặc nói chuyện lớn tiếng, đàm hoặc chất tiết của người bệnh có chứa vi khuẩn lao bị bắn ra ngoài dưới dạng những hạt li ti mắt thường không trông thấy được. Những người tiếp xúc gần gũi với người bệnh trong một thời gian dài, thường là thân nhân trong gia đình có thể hít phải những hạt li ti có chứa vi khuẩn này và bị nhiễm bệnh. Người bệnh lao phổi rất thường hay ho đàm. Nếu người bệnh khạc đàm bừa bãi ra đất hoặc môi trường xung quanh, các bãi đàm này thường chứa nhiều vi khuẩn lao và sẽ bốc hơi hay được gió phát tán trong không khí và bị người khác hít phải.
Mặc dù lây nhiễm qua đường hô hấp nhưng sự nhiễm bệnh lao chỉ thường xảy ra khi tiếp xúc thân cận với người bệnh trong một thời gian dài chứ chỉ gặp gỡ thoảng qua một vài lần thì hiếm khi bị lây nhiễm lao. Do đó, ta dễ bị lây nhiễm từ người sống cùng nhà hay bạn đồng nghiệp cùng phòng hơn là từ kẻ lạ trên xe buýt hay nhà hàng. Bệnh không lây lan khi sờ đụng vào nhau, bắt tay chào hỏi, dùng chung bát đĩa, quần áo, chăn gối, phòng vệ sinh, phòng tắm hay khi quan hệ tình dục. Bệnh cũng không lây truyền khi dùng chung kim chích thuốc. Rất hiếm mới có trường hợp người mẹ mang thai bị lao và truyền vi trùng này cho đứa bé trong bụng. Cũng nên nhớ bệnh lao không phải là bệnh di truyền. Nếu trong gia đình có người bị mắc bệnh lao thì có khả năng có nhiều thành viên gia đình khác cùng bị bệnh lao, điều này là do lây nhiễm do cùng chung sống gần gũi chứ không phải là do yếu tố di truyền. Hút thuốc lá cũng không phải là nguyên nhân gây ra bệnh lao.
Lao sơ nhiễm
Thật may mắn rằng không phải ai hít phải vi khuẩn lao cũng đều bị mắc bệnh lao. Khi cơ thể một người tiếp xúc lần đầu tiên với vi khuẩn lao do hít phải chất tiết của người đang mắc bệnh lao (còn gọi là sơ nhiễm lao), vi khuẩn lao sẽ theo đường mũi - họng rồi khí quản – các phế quản và đi vào phổi. Trong phần lớn trường hợp người này hoàn toàn không có biểu hiện triệu chứng gì và các vi khuẩn này sẽ bị các chiến sĩ phòng vệ của phổi là các đại thực bào phế nang “nuốt trọn” rồi mang đến “nhốt” ở các “nhà giam” tức là các hạch bạch huyết ở quanh rốn phổi. Chỉ có khoảng 10% trường hợp khi vi khuẩn lao xâm nhập lần đầu tiên vào cơ thể sẽ có biểu hiện các triệu chứng lâm sàng, các biểu hiện này thường gặp ở trẻ em như ho, sốt nhẹ, ăn kém, quấy khóc… Như vậy khi vi khuẩn lao lần đầu tiên vào cơ thể có thể rất âm thầm lặng lẽ, hoặc cũng có thể biểu hiện bởi một số triệu chứng nhẹ. Dù có biểu hiện triệu chứng hay không, những người này đều đã bị nhiễm lao, tức là có chứa vi khuẩn lao trong người, nhưng không phải là đã mắc bệnh lao. Những người bị nhiễm lao này cũng hoàn toàn không thể làm lây lan bệnh lao cho người khác được.
Làm sao biết đã bị nhiễm lao?
Có một xét nghiệm da đơn giản có thể giúp ta biết được đã bị nhiễm lao hay chưa, đó là “phản ứng lao tố” (còn được gọi là phản ứng Mantoux hay xét nghiệm IDR). Bác sĩ sẽ chích vào da bạn 0.1 cc thuốc PPD tuberculin tức chất lấy từ vi trùng lao và sau 48 tới 72 giờ, kết quả sẽ được đọc. Trong thời gian này nên tránh chà xát hoặc gãi vào chỗ chích. Nếu vết chích bị sưng đỏ lên với đường kính > 10mm tức là có phản ứng với chất tuberculin cho thấy cơ thể bạn đã từng tiếp xúc với vi khuẩn lao, tức là đã bị nhiễm lao. Xin nhắc lại khi phản ứng lao tố cho kết quả dương tính chỉ có nghĩa là cơ thể bạn đã từng bị nhiễm lao chứ không có nghĩa là bạn đang mắc bệnh lao. Tuy nhiên, thử nghiệm này cũng không phải là hoàn hảo vì có thể bị dương tính giả hay âm tính giả. Âm tính giả tức là những trường hợp bệnh nhân đang bị nhiễm lao thực sự nhưng lại có phản ứng da âm tính. Để giải thích điều này có thể do:
- Thời gian từ lúc nhiễm lao đến lúc làm xét nghiệm < 8 tuần nên cơ thể chưa kịp có phản ứng. Trường hợp này nên thử lại sau đó.
- Hệ miễn nhiễm bị yếu không phản ứng lại được, ví dụ như bệnh nhân nhiễm HIV.
- Đang uống thuốc làm ức chế hệ miễn nhiễm như corticoid (coc – ti – cô ít) hoặc các thuốc điều trị ung thư…
- Bị nhiễm lao quá nặng khiến cơ thể không còn sức kháng cự.
- Kỹ thuật tiêm da không đúng cách, chích tuberculin quá sâu dưới da thay vì tiêm trong da.
Diễn tiến của cơ thể bị nhiễm lao
Sau khi bị “cầm tù” ở các hạch quanh rốn phổi, vi khuẩn lao thường ở dạng không hoạt động và ‘chờ đợi’ cho đến một lúc nào đó có điều kiện thuận lợi sẽ phát triển thành bệnh lao thật sự. Thời gian từ lúc nhiễm lao lần đầu tiên cho đến khi phát thành bệnh lao rất thay đổi, có khi thành bệnh lao ngay sau khi sơ nhiễm lao do người bệnh có sức đề kháng kém, suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch hoặc do lượng vi khuẩn lao xâm nhập quá nhiều, quá ồ ạt…; cũng có khi kéo dài nhiều năm hoặc nhiều chục năm sau mới xuất hiện bệnh lao. Có nhiều trường hợp các vi khuẩn lao này bị “tù chung thân” tức là người đã bị nhiễm lao nhưng không phát triển thành bệnh lao trong suốt cuộc đời của mình. Như vậy, sau khi đã bị nhiễm lao, tùy theo từng người, có người thì mãi mãi không chuyển thành bệnh lao thực sự, có người thì xuất hiện bệnh lao sau một thời gian lúc mà hệ miễn dịch của cơ thể bị suy yếu như mắc bệnh tiểu đường, nghiện rượu, mắc phải một bệnh nhiễm trùng khác khá nặng, nhiễm HIV…, có người sức đề kháng quá kém nên mắc bệnh lao ngay sau khi sơ nhiễm lao.
Khi đã chuyển sang bệnh lao thật sự, bệnh thường có biểu hiện lâm sàng, có khi rầm rộ, có khi kín đáo và ngày qua ngày bệnh sẽ diễn tiến nặng dần và có thể tử vong nếu không được chữa trị đúng mức. Người mắc bệnh lao thật sự thường có khả năng lây lan bệnh lao cho người khác.
Bệnh lao thực sự
Từ giai đoạn lao sơ nhiễm, những vi khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể lúc ban đầu và bị cơ thể bất hoạt trong một thời gian dài; chúng ở trạng thái “ngủ’” và chờ đợi thời cơ để “nổi dậy”. Khi có điều kiện thuận lợi, tại các hạch bạch huyết gần rốn phổi, các vi khuẩn lao như “sống “ lại, chuyển sang trạng thái hoạt động và theo các mạch bạch huyết đề đến nhu mô phổi. Tại đây, vi khuẩn lao sinh sôi phát triển tạo thành các nốt lao. Ở trung tâm của một số nốt lao có hiện tượng “mềm hòa” tạo thành chất trắng lỏng lợn cợn như bã đậu nên được gọi là chất bã đậu. Các nốt lao này lan rộng dần rồi ăn thông với một nhánh phế quản nào đó. Người bệnh ho nhiều, mệt mỏi, sụt cân, khạc ra nhiều đàm. Các chất bã đậu cũng được khạc ra ngoài theo đường phế quản, để lại khoảng trống trong nhu mô phổi thường được gọi hang lao. Những hang lao này được tiếp xúc nhiều với dưỡng khí nên trở thành môi trường lý tưởng cho vi trùng phát triển mạnh và gia tăng số lượng. Vì vậy, những người có hang lao thường rất dễ lây truyền bệnh cho người khác.
Sự khác nhau giữa lao nhiễm và lao bệnh
Nhiễm lao |
Bệnh lao thực sự |
- Vi trùng lao nằm “ngủ” trong cơ thể. Tình trạng này có thể kéo dài rất lâu, thậm chí nhiều năm. - Bệnh nhân thường không có triệu chứng bệnh. Chỉ 10% có ho, sốt, mệt mỏi, trẻ biếng ăn quấy khóc, đổ mồ hôi trộm….
- Bệnh nhân không thể lây bệnh sang người khác. - Tại VN, bệnh nhân chỉ được điều trị với phác đồ điều trị lao sơ nhiễm khi có biểu hiện triệu chứng. |
- Vi trùng lao “thức tỉnh” và bắt đầu sinh sôi phát triển và lan tràn trong cơ thể.
- Bệnh nhân thường ho, sốt, sụt cân, có thể có ho ra máu. Một số trường hợp bệnh diễn tiến âm thầm và chỉ phát hiện khi khám sức khỏe. - Bệnh nhân có thể lây bệnh cho người khác khi nhảy mũi hay ho. - Bệnh lao có thể được chữa khỏi hoàn toàn bằng cách dùng thuốc. |
Lao phổi và lao các cơ quan khác
Phổi là nơi mà vi khuẩn lao đi đến trong lần đầu tiên xâm nhập cơ thể và cũng là cơ quan bị tổn thương nhiều nhất trong các trường hợp mắc bệnh lao. Bệnh lao phổi chiếm 80% trong số tất cả các loại bệnh lao hoặc cũng có khi có phối hợp giữa bệnh lao phổi và lao cơ quan khác. Cũng chỉ có lao phổi và lao các bộ phận ở đường hô hấp trên như lao thanh quản, lao phế quản mới có khả năng lây truyền bệnh cho người khác. Các thể lao khác như lao màng não, lao màng phổi, lao xương, lao khớp, lao thận, lao đường tiểu, lao hạch… đều hiếm khi gây lây lan bệnh cho người xung quanh.
Ai dễ mắc bệnh lao?
Những người sau đây dễ bị nhiễm trùng lao:
- Người có hệ miễn nhiễm kém như bệnh nhân nhiễm HIV (SIDA), bị bệnh tiểu đường, bệnh nhân đang dùng thuốc corticoid hay thuốc chữa thấp khớp, thuốc hóa trị ung thư...
- Tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh lao trong thời gian dài
- Tuổi già
- Nghiện rượu hay ma túy
- Suy dinh dưỡng
- Thiếu chăm sóc y tế
- Sống hay làm việc ở những nơi đông người và không thoáng khí như nhà tù, viện dưỡng lão.
Khi nào nên đi khám bệnh ?
Nên đi khám bệnh ngay khi bạn có những triệu chứng như sốt kéo dài, ho kéo dài, sụt cân không có nguyên do rõ rệt, sốt nhẹ hoặc cảm giác ‘gây gấy’ vào buổi chiều, ra mồ hôi ban đêm… Những triệu chứng này có thể là của bệnh lao nhưng cũng có thể do các bệnh khác. Bác sĩ cần làm một số xét nghiệm để định bệnh như chụp Xquang phổi, thử đàm tìm vi trùng lao.
Ngay cả khi bạn không có triệu chứng gì, bạn cũng nên đi khám bệnh kiểm tra sức khỏe nếu bạn ở vào trong những trường hợp sau:
- Mắc bệnh nhiễm HIV (SIDA)
- Thân cận tiếp xúc hằng ngày với người đang bị lao thực sự (active TB)
Phòng ngừa bệnh
Lao là một bệnh có thể phòng ngừa được. Dưới cái nhìn y tế công cộng, cách tốt nhất để kiểm soát bệnh lao là định bệnh sớm và điều trị bệnh nhân lao khỏi bệnh hoàn toàn để hạn chế sự lây lan của bệnh lao trong cộng đồng.
Để phòng ngừa bệnh lao, chúng ta có thể áp dụng những phương pháp sau đây :
-Giữ cho hệ miễn nhiễm được tốt: bằng cách ăn uống đủ chất dinh dưỡng, ngủ đủ và vận động thường xuyên.
- Tránh làm việc quá sức hoặc thức khuya quá.
-Khám kiểm tra bệnh lao thường xuyên: Nên kiểm tra mỗi năm nếu bạn có HIV hoặc một bệnh nào đó làm giảm hệ miễn nhiễm, hay bạn làm việc nơi đông người như nhà tù hay viện dưỡng lão, là nhân viên y tế hay có nhiều cơ hội tiếp xúc với bệnh lao.
-Chú ý tránh bị lây nhiễm qua đường hô hấp khi tiếp xúc thường xuyên với bệnh nhân đang mắc bệnh lao thực sự: khuyên người bệnh mang khẩu trang, tránh khạc đàm bừa bãi….
- Chú ý phát hiện sớm hoặc nhắc nhở người nhà, bạn bè, đồng nghiệp đi khám bệnh sớm khi có các triệu chứng gợi ý của lao.
Tiêm ngừa B.C.G.
Người ta chích vào cơ thể các cháu bé những vi khuẩn lao của bò, đã được làm yếu đi tới mức không gây được bệnh nữa nhưng vẫn kích thích được hệ miễn nhiễm của cơ thể cháu bé sản sinh ra các kháng thể chống lại được vi trùng lao, kể cả các vi trùng lao hoạt động ở NGƯỜI.
Cách thực hành: Sau khi đã biết rõ cháu bé đã thử lao kết quả âm tính, bác sĩ tiêm ngay B.C.G vào người cháu. Ba tháng sau mới kiểm tra kết quả bằng cách thử xét nghiệm IDR và cháu bé phải có kết quả dương tính. Nếu kết quả âm tính thì việc tiêm ngừa vừa rồi chưa đạt yêu cầu, phải tiêm ngừa lại.
Tất cả mọi trẻ em đều có thể chích ngừa bệnh lao bằng thuốc B.C.G, trừ trường hợp cháu đang bị bệnh nào đó hoặc vừa tiêm ngừa một bệnh khác thì phải tạm hoãn lại một thời gian.
Tiêm vaccin BCG đang được thực hiện ở nhiều nơi, đặc biệt là trẻ em tại các quốc gia đang phát triển, nơi có tỉ lệ nhiễm lao và mắc lao cao. Vaccin không ngừa bệnh lao nhưng tăng cường sức đề kháng của cơ thể với vi khuẩn lao. Ở nước ta việc chích ngừa cho các cháu bé đã được thực hiện từ lâu. Việc chích ngừa lao B.C.G cần thực hiện càng sớm càng tốt. Vì vậy, người ta thường chích cho các cháu trong vòng 6 tháng sau sinh và tiêm nhắc lại khi đến 15 tuổi..
Tránh lây lan cho người khác khi bạn đang mắc bệnh lao thực sự
Trong thời gian 1 tháng đầu tiên khi uống thuốc điều trị lao, bạn vẫn còn khả năng lây bệnh cho người khác. Để phòng tránh sự lây lan bệnh, bạn nên:
-Uống thuốc đầy đủ và đủ thời gian
-Ở nhà. Không đi làm, đi học hay ngủ chung phòng với người khác ít nhất là trong vòng một tháng đầu khi bạn bắt đầu chữa bệnh. Tránh tiếp xúc với người lành, đặc biệt là trẻ em, người nhiễm HIV, không lai vãng nơi công cộng có đông người tụ tập.
-Ở chỗ thoáng khí. Mở hết cửa sổ để không khí mới vào phòng.
-Che miệng: Trong thời gian đang trị bệnh lao, bạn nên che miệng bằng khăn giấy khi ho, hắt xì, cười... Sau đó, vất khăn vào bao dán kỹ và vứt vào thùng rác. Nên đeo khẩu trang che miệng và mũi khi tiếp xúc, nói chuyện với người khác.