HEN SUYỄN Ở NGƯỜI CAO TUỔI

08/09/2022
Tin về các bệnh hô hấp
Lượt xem: 298

Hen suyễn là bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường xảy ra ở những người trẻ tuổi và ít gặp hơn ở người già, vì vậy bệnh hen suyễn ở người cao tuổi chưa được quan tâm đúng mức.

 

          Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây ở nhiều quốc gia cho thấy tỷ lệ người cao tuổi bị hen suyễn khoảng 4,5 đến 9%. Thống kê trên toàn thế giới cho thấy số bệnh nhân hen suyễn ở những người trên 65 tuổi chiếm khoảng 10% trong tổng số các trường hợp hen suyễn. Tuy tỷ lệ hen suyễn ở người cao tuổi không cao nhưng tỷ lệ tử vong do hen suyễn ở nhóm tuổi này lại cao gấp 14 lần so với tỷ lệ tử vong chung. Bệnh hen suyễn ở người cao tuổi thường nặng do không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời cũng như sự kém nhạy cảm của người bệnh trong việc nhận biết sớm triệu chứng.

NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG CHẨN ĐOÁN HEN SUYỄN Ở NGƯỜI GIÀ

           Có rất nhiều lý do làm cho việc chẩn đoán hen suyễn ở người cao tuổi thường gặp nhiều khó khăn và dễ bỏ sót. Do bệnh hen suyễn thường gặp ở người trẻ nên các bác sĩ thường ít nghĩ đến bệnh này khi thăm khám bệnh cho người già. Các triệu chứng của bệnh cũng rất dễ bị nhầm lẫn với nhiều bệnh mạn tính cũng có triệu chứng khó thở thường xảy ra ở người cao tuổi như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), suy tim hoặc xơ phổi vì vậy đôi khi bác sĩ cũng khó nhận biết thực sự đây là bệnh hen hay là bệnh tim hoặc bệnh phổi khác. .

Người cao tuổi thường cũng không nhạy bén trong việc nhận định ra các triệu chứng của mình. Nhiều người rất chủ quan cho đó chỉ là triệu chứng thông thường của tuổi già, phớt lờ đi và thường không đến khám bệnh. Do tuổi già, trí óc không còn minh mẫn, các cụ thường diễn tả các triệu chứng không chính xác và làm cho các bác sĩ chẩn đoán sai. Ngoài ta, một số bệnh lý liên quan đến tâm thần kinh ở người già như trầm cảm, sa sút trí tuệ cũng khiến cho các cụ không chịu đi khám bệnh khiến cho bệnh ngày càng nặng thêm.

           Người cao tuổi lại thường hay bị đồng thời nhiều bệnh mạn tính khác như tiểu đường, suy tim, bệnh mạch vành, thoái hóa khớp… và việc dùng một số loại thuốc để điều trị những bệnh này có thể làm mờ hoặc che lấp các triệu chứng của bệnh hen suyễn. Một số thuốc khác lại có thể làm cho bệnh hen suyễn nặng lên, làm khởi phát cơn hen suyễn cấp và làm cho bệnh khó kiểm soát hơn như thuốc kháng viêm, giảm đau (aspirin hoặc các thuốc kháng viêm không phải corticoid), thuốc ức chế bêta giao cảm dùng điều trị cao huyết áp hay có trong thuốc nhỏ mắt điều trị glaucome (cườm khô), thuốc nội tiết tố nữ sử dụng ở phụ nữ mãn kinh. Vì thế, khi đi khám bệnh, bạn cần báo cho bác sĩ tình trạng bệnh hen suyễn của mình và những thuốc mình đang dùng.

Các yếu tố khởi phát: ở người cao tuổi cũng có thể khác nhiều so với tuổi nhỏ. Thời tiết lạnh, nhiễm khuẩn hô hấp do siêu vi như cảm cúm, bụi, khói… là những yếu tố khởi phát cơn suyễn thường gặp. Người cao tuổi cần được tiêm ngừa bệnh cúm hằng năm và tiêm ngừa bệnh viêm phổi mỗi 3 năm hoặc 5 năm một lần. Trầm cảm, lo âu cũng là những yếu tố có thể làm khởi phát cơn suyễn cấp ở người cao tuổi.

           Đo chức năng hô hấp là một kỹ thuật rất cần thiết để định bệnh hen suyễn, nhất là trong những trường hợp khó phân biệt với những bệnh khác. Thế nhưng ở người cao tuổi, việc đo chức năng hô hấp gặp nhiều khó khăn vì nhiều trường hợp các cụ không được minh mẫn hoặc quá yếu không thể thực hiện các thao tác đúng cách mặc dù đã làm đi làm lại rất nhiều lần. Khi đó, việc định bệnh đôi khi chỉ có thể dựa vào sự cải thiện triệu chứng lâm sàng của người bệnh và sự nhận biết và đánh giá của người chăm sóc.

ĐIỀU TRỊ HEN SUYỄN Ở NGƯỜI CAO TUỔI

          Điều trị hen suyễn ở người cao tuổi nói chung cũng hiệu quả như ở người trẻ tuổi nhưng trong nhiều trường hợp có thể gặp nhiều khó khăn, phức tạp vì nhiều lý do:

          - Cấu trúc và chức năng của đường hô hấp ở người già bị biến đổi và suy giảm do quá trình lão hóa nên sự đáp ứng với thuốc cũng kém đi.

          - Người già thường kém minh mẫn nên không nhận biết sớm các triệu chứng cảnh báo bệnh trở nặng, nên không thể xử trí kịp thời.

          - Người già dễ bị tác dụng phụ khi dùng thuốc hơn người trẻ. Các tác dụng phụ của thuốc hen suyễn thường gặp ở người già như run tay, nhịp tim nhanh, nhất là những người có bệnh tim mạch kết hợp.

          - Người già thường hay quên uống thuốc hoặc bỏ thuốc làm cơn hen suyễn tái phát mặc dù trước đó bệnh đã được kiểm soát.

          - Người già thường khó bỏ được các thói quen lâu đời như hút thuốc lá hay ăn những món ăn ưa thích vốn là yếu tố khởi phát cơn hen suyễn cấp.

          - Người già thường gặp khó khăn trong việc sử dụng các thuốc đường hít cũng như các thiết bị máy móc. Vì vậy, thuốc đưa vào cơ thể thường dưới mức cần thiết nên hiệu quả điều trị thấp và chậm.

          - Người già thường mắc nhiều bệnh đồng thời như tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh tim... nên hằng ngày vẫn dùng đều đặn nhiều thứ thuốc, đôi khi sự tương tác giữa các thuốc này với thuốc điều trị hen suyễn làm giảm hiệu quả và gây ra tác dụng phụ.

          - Khả năng đào thải thuốc ở người già kém làm cho người bệnh dễ bị ngộ độc thuốc hen suyễn loại theophyllin. 

Những lưu ý trong điều trị hen suyễn ở người già

          Vì các lý do nêu trên, chữa trị bệnh hen suyễn ở người cao tuổi ngoài những nguyên tắc chung còn cần phải có một số lưu ý đặc biệt:

           - Điều đầu tiên và quan trọng là phải lưu ý đến vấn đề tâm lý tuổi già. Phải khéo léo thuyết phục các cụ hiểu được đây là bệnh mạn tính và việc chữa trị đòi hỏi phải đều đặn và kéo dài. Tuân thủ điều trị tốt sẽ giúp kiểm soát tốt bệnh hen suyễn và các cụ sẽ có cuộc sống khỏe hơn, thanh thản hơn vì không bị ảnh hưởng nhiều bởi căn bệnh. Người thân trong gia đình cũng cần nhắc nhở các cụ bỏ thuốc lá hoặc các thói quen không tốt cho căn bệnh, giúp các cụ dùng thuốc đều đặn đúng giờ và phát hiện thay cho các cụ các dấu hiệu cảnh báo bệnh sẽ diễn tiến nặng.

          - Điều thứ hai cần lưu ý là vấn đề tương tác thuốc. Khi đi khám bệnh nên báo cho bác sĩ biết các bệnh lý khác của mình và mang theo đầy đủ đơn thuốc của các loại thuốc đã và đang sử dụng. Có một số thuốc điều trị bệnh khác nhưng có thể làm cho bệnh hen suyễn nặng lên. Đó là  thuốc aspirin và các thuốc chống viêm giảm đau không phải coc – ti – cô – ít, thuốc điều trị cao huyết áp (nhóm ức chế bê – ta như propranolol, atenolol, carvedilol…) , nội tiết tố nữ điều trị mãn kinh và một số thuốc an thần gây ngủ. Ngoài ra cũng cần lưu ý đến các tác dụng phụ hay gặp của thuốc trị hen suyễn như run tay, hồi hộp, tim đập nhanh, vọp bẻ, tiểu đêm, khó ngủ, tiểu gắt…và thông báo cho bác sĩ để bác sĩ có thể cân nhắc việc giảm liều thuốc hoặc đổi thuốc khác.

          - Điều cần lưu ý thứ ba trong chữa trị hen suyễn ở người già là sử dụng thuốc đường hít sao cho đúng cách để thuốc có thể vào phổi đầy đủ và đạt được hiệu quả điều trị. Mỗi người sẽ thích hợp với một loại dụng cụ hít khác nhau, bao gồm  bình xịt định liều, bình xịt định liều kèm buồng hít, bình hít bột khô, máy phun khí dung…(Xem bài  Kỹ thuật sử dụng thuốc đường hít). Do tuổi già kém minh mẫn hoặc kém linh hoạt, việc dùng thuốc đường hít có thể gặp nhiều khó khăn, Người thân trong gia đình cần kiên nhẫn giúp các cụ tập luyện để có thể dùng thuốc đường hít sao cho có hiệu quả nhất. Nếu dùng bình xịt đinh lliều, nên lưu ý sự phối hợp đồng thơi giũa động tác bóp (bình xịt) và động tác hit, nếu là bình hít bột khô thì luồng khí hít vào bằng miệng phải đủ mạnh để kéo các hạt bột li ti vào phổi đến tận các phế nang. Máy phun khí dung dễ sử dụng hơn cả nhưng bất tiện, cồng kềnh và dễ có nguy cơ nhiễm khuẩn nếu không biết vệ sinh các dụng cụ đúng cách. Khi hít thuốc qua mặt nạ, cần phải há to miệng khi hít vào để cho lượng thuốc vào phổi tối ưu. Sử dụng thuốc đường hít đúng cách là một trong những yếu tố quan trọng giúp chữa trị hen suyễn thành công.

          Tóm lại, chẩn đoán và chữa trị bệnh hen suyễn ở người cao tuổi đều gặp nhiều khó khăn.vì vậy cần hết sức lưu ý và biết cách xử trí mới có thể giúp cho các cụ đạt được kiểm soát hen tốt.  

 

 

 

 

 

Chia sẻ

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Ung thư phổi là gì? Nguyên nhân bắt nguồn từ đâu?

Ung thư phổi là bệnh lý ác tính phổ biến hàng đầu tại Việt Nam cũng như thế giới. Theo thống kê, bệnh này đứng thứ 2 về tỷ lệ mắc mới và có tỷ lệ tử vong cao nhất trong số các bệnh ung thư trên toàn cầu. Trong bài viết hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về khái niệm cùng những nguyên nhân gây ung thư phổi điển hình. Mời bạn đọc tham khảo nhé!

CẦN LÀM GÌ KHI LÊN CƠN HEN SUYỄN CẤP TẠI NHÀ?

Nếu bạn đang lên cơn hen và có những triệu chứng như trên thì bạn cần phải đến phòng cấp cứu của bệnh viện gần nhất. Không nên tự đến bệnh viện một mình, hãy đi cùng với người thân hoặc bạn bè. Nếu ở một mình, hãy gọi số điện thoại cấp cứu để được chở đến bằng xe của bệnh viện.

KỸ THUẬT SỬ DỤNG BÌNH XỊT KÈM VỚI BUỒNG HÍT

Buồng hít (hoặc buồng đệm) là gì? Buồng hít (hoặc buồng đệm) là gì?

KỸ THUẬT SỬ DỤNG BÌNH XỊT HEN SUYỄN

Bình xịt là dụng cụ dùng khá phổ biến trong điều trị bệnh hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Nguyên tắc cấu tạo của bình xịt là dùng một chất đẩy thuốc (tương tự như các dụng cụ gia đình như xịt muỗi, xịt phòng) để tạo ra luồng phun gồm những hạt nhỏ li ti sau mỗi lần bóp thuốc và đưa một liều thuốc đã định lượng vào phổi bạn.

BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH VÀ THUỐC LÁ

Tình hình hút thuốc lá trên thế giới và trong nước

SUY DINH DƯỠNG Ở BỆNH NHÂN BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH

Từ xưa đến nay, ông bà ta đã biết rằng dinh dưỡng là một trong những phương pháp cần thiết để giữ gìn sức khỏe, khắc phục bệnh tật, kéo dài tuổi thọ. Đối với những người phải chịu đựng những bệnh tật khác nhau, dinh dưỡng còn là một biện pháp hỗ trợ giúp tăng cường sức khỏe làm cho căn bệnh phục hồi nhanh chóng hơn. Còn đối với một số căn bệnh được gọi là “mãn tính” tức là kéo dài rất nhiều năm cho đến cuối đời như bệnh tiểu đường, cao huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính…, biết cách dinh dưỡng hợp lý không chỉ có tác dụng hỗ trợ mà còn được xem là một biện pháp điều trị cần thiết giúp cho người bệnh có thể “sống chung hòa bình” với căn bệnh. Đặc biệt đối với bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, điều chỉnh dinh dưỡng được xem là một trong biện pháp điều trị không dùng thuốc có vai trò quan trọng trong việc tăng cường chất lượng cuộc sống của người bệnh.    

ĐẶT LỊCH NGAY

BS Oanh

 Thứ 2, Thứ 3, Thứ 5, Thứ 6: 18 – 20g

Thứ 7: 7g30 – 9g30

 

BS Trí

Thứ 4: 18 - 20g

 

HOTLINE LIÊN HỆ: 0908 120 626