Đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là gì ?
Đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là những đợt diễn tiến xấu của bệnh, xuất hiện cấp tính trong khoảng thời gian thường nhiều ngày đến nhiều tuần. Các đợt cấp này có thể ở mức độ nhẹ, chỉ cần uống thuốc điều trị tại nhà là khỏi nhưng đôi khi khá trầm trọng phải nhập viện cấp cứu hay phải nằm điều trị tại khoa hồi sức tích cực.
Nguyên nhân làm xuất hiện các đợt cấp phần lớn là do nhiễm trùng đường hô hấp, có thể do vi trùng hoặc virút. Tình trạng nhiễm trùng này làm cho người bệnh ho và khạc đàm nhiều hơn, các phế quản bị hẹp lại nhiều hơn do co thắt, do sưng nề và tiết nhiều đàm nhớt. Vì vậy người bệnh thường khò khè, khó thở nhiều hơn và phải tăng công hô hấp nhiều hơn, tức là cơ hô hấp phải làm việc nhiều hơn. Nếu được chữa khỏi tình trạng nhiễm trùng, người bệnh sẽ hồi phục dần và ra khỏi đợt cấp. Một số trường hợp vượt quá khả năng của cơ hô hấp, có thể do nhiễm trùng nặng hoặc người bệnh không tự nhận biết sớm để diễn tiến kéo dài; khi đó người bệnh rơi vào tình trạng suy hô hấp cấp tính phải nhập viện để được hỗ trợ hô hấp.
Ngoài nguyên nhân do nhiễm trùng hô hấp, một số trường hợp người ta không rõ nguyên nhân xuất hiện đợt cấp, nhưng thường có những yếu tố thúc đẩy khác như stress tâm lý, suy tim, rối loạn nhịp tim, thiếu máu cơ tim không ổn định, bệnh dạ dày, suy dinh dưỡng nặng, tràn khí màng phổi…
Ảnh hưởng của các đợt cấp đến diễn tiến của bệnh
Khi đã tiến triển sang các giai đoạn sau của bệnh (giai đoạn 3 và 4), các đợt cấp thường xảy ra trung bình không quá 1 – 2 lần mỗi năm, nếu các đợt cấp xuất hiện khá thường xuyên và nặng sẽ làm cho căn bệnh tiến triển nhanh hơn. Hình vẽ dưới đây cho ta thấy đường biểu diễn của chức năng hô hấp sụt giảm chậm chạp nếu các đợt cấp thưa thớt và nhẹ (1). Nếu các đợt cấp xảy ra nhiều, thường xuyên và ở mức độ nặng sẽ làm cho chức năng hô hấp sụt giảm nhanh đến tình trạng nguy hiểm (2).
Ngoài ra, các đợt cấp xuất hiện nhiều và thường xuyên còn làm cho người bệnh dễ trầm cảm hoặc lo âu về căn bệnh của mình. Chất lượng cuộc sống của người bệnh cũng bị ảnh hưởng rất nhiều, đồng thời chi phí thăm khám bệnh, chi phí nằm viện và chi phí chăm sóc trực tiếp và gián tiếp cũng tăng lên đáng kể nếu cô bác không biết cách phòng tránh sự xuất hiện của đợt cấp.
Làm thế nào để phòng tránh sự xuất hiện của các đợt cấp
Để cho các đợt cấp xuất hiện ít và thưa thớt, người bệnh cần tuân thủ các hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Bên cạnh việc sử dụng đúng cách các loại thuốc, người bệnh cũng cần chú ý đến cả các biện pháp điều trị không dùng thuốc.
- Bỏ thuốc lá: Nếu cô bác chưa cai được thuốc lá nên cố gắng cai thuốc vì cai thuốc là biện pháp điều trị rất cần thiết giúp làm chậm sự sụt giảm chức năng hô hấp (xem bài Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và thuốc lá). Các đợt cấp của bệnh thường xảy ra hơn khi chức năng hô hấp sụt giảm nhiều, tức là ở các giai đoạn sau của bệnh, vì vậy cai thuốc lá sẽ làm cho bệnh chậm tiến triển và ít xuất hiện đợt cấp.
- Dùng thuốc giãn phế quản đúng cách: Thuốc giãn phế quản giúp các phế quản giãn nở làm cho khí lưu thông vào phổi dễ dàng hơn. Dùng thuốc giãn phế quản hợp lý sẽ giúp người bệnh bớt khó thở hơn, chất lượng cuộc sống tốt hơn và ít xuất hiện đợt cấp hơn. Các loại thuốc sau đây nên được sử dùng thường xuyên trong giai đoạn ổn định:
+ Thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn: (Ventolin*, Berodual*, Combivent*) Sử dụng theo nhu cầu tức là khi cảm thấy mệt, khó thở hoặc trước khi sắp làm việc gắng sức (đi cầu thang, đi tắm, đi vệ sinh…). Do sử dụng theo nhu cầu nên không cố định số lần sử dụng trong ngày, có thể thay đổi từ không có lần nào đến 4 – 5 lần mỗi ngày.
+ Thuốc giãn phế quản kết hợp với cóc – ti – cô – ít đường hít:(Symbicort*, Seretide*) Nên sử dụng thường xuyên và đếu đặn ở người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính độ 3, độ 4 hoặc người có đợt cấp thường xuyên. Khi đó thuốc sẽ giúp làm chậm sự xuất hiện đợt cấp. Cần nhớ, thuốc chỉ có tác dụng khi sử dụng đều đặn hàng ngày trong thời gian dài.
+ Thuốc giãn phế quản tác dụng dài 24 giờ: (Spiriva*) Thuốc có tác dụng kéo dài suốt 24 giờ nên chỉ cần dùng 1 viên thuốc bột dạng hít mỗi ngày(xem bài Kỹ thuật sử dụng thuốc đường hít). Đây là thuốc giãn phế quản thế hệ mới, ngoài tác dụng giãn phế quản còn giúp chống ứ khí trong phổi và cải thiện chất lượng cuộc sống. Nhiều nghiên cứu có giá trị đã chứng minh thuốc cũng giúp làm giảm số lần xuất hiện đợt cấp.
- Thể dục đều đặn: Thể dục và vận động ở người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính một cách hợp lý sẽ giúp tăng cường tình trạng sức khỏe chung, tăng cường hoạt động các cơ hô hấp và cải thiện chất lượng cuộc sống (Xem bài thể dục và vận động ở bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính). Nhiều chuyên gia hàng đầu trên thế giới đã khẳng định thể dục và vận dộng cũng giúp giảm số lần xuất hiện đợt cấp và giảm số lần nằm viện.
- Dinh dưỡng hợp lý: Suy dinh dưỡng thường làm cho bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính diễn tiến nặng hơn. Suy dinh dưỡng làm giảm sức đề kháng cơ thể nên người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính dễ bị nhiễm trùng hô hấp và dễ rơi vào đợt cấp. Khi đã rơi vào đợt cấp, người suy dinh dưỡng cũng dễ bị nặng hơn nhười có cân nặng cân đối vì các bắp cơ hô hất mỏng và yếu làm người bệnh dễ bị suy hô hấp hơn. Phòng tránh suy dinh dưỡng bằng cách ăn uống hợp lí, đầy đủ chất dinh dưỡng, luôn giữ cân nặng ở mức cân đối ổn định là một trong những biện pháp phòng tránh và giảm độ nặng của đợt cấp. (Xem bài suy dinh dưỡng ở bệnh nhan bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính)
- Chích ngừa cúm, viêm phổi: Chích ngừa cúm mỗi năm một lần và chích ngừa viêm phổi do phế cầu trùng mỗi ba năm một lần sẽ giúp phòng tránh phần nào các đợt nhiễm trùng hô hấp vốn là nguyên nhân thường gặp nhất của đợt cấp.
- Phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo đợt cấp: Nếu nhận biết được các dấu hiệu cảnh báo sắp xảy ra một đợt cấp và có biện pháp đối phó tích cực sẽ giúp cho đợt cấp diễn tiến không quá nặng, đôi khi không cần phải nhập viện hoặc nếu có nhập viện, mức độ bệnh cũng không quá trầm trọng hoặc đe dọa tính mạng.
Nhận biết các dấu hiệu cảnh báo đợt cấp và hướng xử trí
Nhận biết được những dấu hiệu nào là dấu hiệu báo động cho biết sắp xuất hiện một đợt cấp sẽ giúp phòng tránh đợt cấp một cách tích cực và hiệu quả. Các biểu hiện sau đây được xem là các dấu hiệu giúp nhận biết sớm đợt cấp
- Khó thở hoặc khò khè nhiều hơn bình thường; ngày càng nặng hơn và không đáp ứng với các thuốc giãn phế quản cắt cơn thường dùng.
- Phải dùng nhiều gối hơn bình thường khi nằm.
- Cảm giác nặng ngực thường xuyên.
- Thay đổi về đàm:
- Khạc đàm nhiều hơn bình thường.
- Thay đổi màu sắc của đàm: đàm đục, đàm có màu xanh hoặc vàng…
- Có lẫn máu trong đàm.
- Đàm có mùi hôi.
- Có đàm nhưng có cảm giác khó khạc ra như mọi khi.
- Sốt: Sốt thường là triệu chứng của nhiễm trùng. Có thể sốt cao > 380C nhưng thường chỉ sốt nhẹ âm ỉ hoặc thoáng qua.
- Sưng mắt cá chân: Khi dùng ngón tay ân nhẹ vào vùng da cạnh mắt cá chân sẽ thấy da bị hõm xuống,một lúc sau đó mới trở lại bình thường.
- Thay đổi trọng lượng cơ thể bất thường: sụt cân hoặc tăng cân nhanh
- Không ăn uống gì được trong nhiều ngày
- Cảm giác mệt lã, mất hết sức lực.
- Tím môi hoặc tím các đầu ngón tay (quan sát ở vùng da nằm dưới móng tay): Triệu chứng này cho thấy người bệnh đang bị thiếu oxy và nên nhập viện sớm.
- Rối loạn tri giác: Người bệnh có thể lú lẫn, lẫn lộn hoặc nói nhảm, nói không đúng với chuyện xảy ra…. Đôi lúc người bệnh có thể thay đổi hành vi, thay đổi thói quen. Nặng hơn người bệnh có thể nằm ngủ li bì, lay dậy hỏi thì mở mắt, trả lời được rồi lại ngủ tiếp (còn gọi là ngủ gà), hoặc nằm lơ mơ có lúc mở mắt nhưng gọi hỏi không trả lời hoặc là hôn mê sâu…: Các triệu chứng này rất nguy hiểm cần phải nhập viện khẩn cấp.
Khi đã nhận biết được các dấu hiệu cảnh báo đợt cấp, nên đến khám bác sĩ sớm để được hướng dẫn, kê toa thuốc thích hợp hoặc yêu cầu nhập viện nếu cần.
Nhìn chung, sẽ có ba thái độ khác nhau tương ứng với ba màu tương tự như đèn báo hiệu giao thông:
- Đèn xanh: Xe vẫn tiếp tục di chuyển với tốc độ bình thường nhưng luôn luôn phải tự kiểm soát tốc độ của mình.
- Đèn vàng: Xe di chuyển chậm lại và phải hết sức cẩn thận.
- Đèn đỏ: Stop! Dấu hiệu nguy hiểm cần phải nhập viện ngay.
|
CÁC BIỂU HIỆN |
|
HÀNH ĐỘNG |
ĐÈN XANH |
Khi trong người thấy khỏe, vẫn nên lưu ý § Hôm nay làm được những việc gì? § Hô hấp lúc nghỉ và lúc làm việc ra sao? § Những gì làm cho khó thở? § An có ngon miệng không? § Ngủ có ngon không? § Khạc đàm nhiều hay ít, màu sắc ra sao? |
|
§ Dự định những công việc muốn làm và có kế hoạch cụ thể. § Vận động thể lực mỗi ngày vừa với sức của mình. § Chế độ ăn cân đối, uống đủ nước. § Tránh những việc làm cho mình thấy rất mệt. § Không bao giờ để hết thuốc cắt cơn |
|
CÁC BIỂU HIỆN XẤU |
|
HÀNH ĐỘNG |
ĐÈN VÀNG |
|
|
§ Trình bày với bác sĩ các biểu hiện nêu trên và thuốc đang sử dụng. § Nghỉ ngơi nhiều hơn, có thời gian thư giãn. § Thực hiện các phương pháp thông khí và thông đàm. § An nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày với đầy đủ năng lượng. § Uống đủ nước |
|
BIỂU HIỆN NGUY HIỂM |
|
HÀNH ĐỘNG |
ĐÈN ĐỎ |
§ Các triệu chứng nêu trên không giảm bớt. § Khó thở nhiều, ngày càng nặng hơn. § Đau ngực, sốt cao § Tím môi, đầu ngón tay § Cảm giác lo sợ, bứt rứt. § Lú lẫn, ngủ gà |
ĐẾN NGAY PHÒNG CẤP CỨU HOẶC BỆNH VIỆN !
|
Đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được điều trị như thế nào?
Điều trị đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là công việc của các bác sĩ để giúp cho cô bác trở lại trạng thái ổn định như trước. Nhìn chung, để chữa trị các đợt cấp, các bác sĩ sẽ:
- Tăng liều thuốc giãn phế quản đang sử dụng hoặc phối hợp thêm thuốc giãn phế quản loại khác.
- Dùng kháng sinh để kiểm soát tình trạng nhiễm trùng.
- Dùng corticoid đường uống hoặc đường tiêm để làm các phế quản bớt phù nề, nhưng thường không nên dùng quá 2 tuần.
- Cho thở oxy để điều chỉnh tình trạng thiếu oxy máu. Việc điều trị bằng oxy sẽ được bác sĩ theo dõi rất nghiêm nhặt dựa vào việc đo lượng oxy trong máu. Nếu oxy trong máu đủ, cô bác sẽ phải ngưng thở oxy để tránh lạm dụng oxy (Xem bài Điều tri bằng oxy trong bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính).
- Các tình trạng có thể là yếu tố thúc đẩy dẫn đến đợt cấp sẽ được các bác sĩ xem xét và điều chỉnh như suy tim, rối loạn nhịp tim, tâm phế mãn, tràn khí màng phổi…Khi các yếu tố này đã được điều chỉnh lại cho ổn định thì bệnh phổi cũng mau ổn định.
- Một số trường hợp bị suy hô hấp rất nặng, cơ hô hấp hoạt động không hiệu quả, người bệnh vẫn bị khó thở thường xuyên dù đã dùng đầy đủ các biện pháp điều trị, các bác sĩ sẽ cho cô bác sử dụng máy thở. Máy thở sẽ hoạt động thay thế hai lá phổi cho đến khi hoạt động hô hấp của người bệnh có thể hồi phục lại. Trong trường hợp này, người bệnh phải được đưa vào phòng chăm sóc tích cực để được theo dõi sát với chi phí điều trị cao mà khả năng khỏi bệnh thấp.
Tóm lại, đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là những đợt diễn tiến nặng của bệnh thường làm nặng thêm tiến triển của bệnh. Nguyên tắc chung là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Luôn luôn phải phòng tránh đừng để cho đợt cấp xảy ra, nếu có xảy ra thì phòng tránh đừng để cho đợt cấp diễn tiến nặng để giảm bớt ảnh hưởng của đợt cấp lên diễn tiến của bệnh.