PHÁT HIỆN BỆNH LAO

PHÁT HIỆN BỆNH LAO
Ngày đăng: 15/09/2022 12:42 PM

Bệnh lao phổi

Phát hiện bệnh

          Lao phổi là căn bệnh diễn tiến khá thầm lặng nên thường dễ bị bỏ qua. Bệnh thường xuất hiện ở những người nghèo, mức thu nhập thấp, điều kiện sống kém, nhà cửa chật chội, không thoáng khí. Những người này thường mãi lo mưu sinh mà không chú ý đến sức khỏe của mình, nên bệnh chỉ phát hiện khi có những biểu hiện nặng do diễn tiến lâu ngày. Để phát hiện sớm bệnh lao phổi, cần căn cứ vào những dấu hiệu thay đổi của cơ thể như:

          - Ho kéo dài, thường chỉ ho khúc khắc dai dẳng chứ hiếm khi ho dữ dội.

          - Khạc đàm đục,  có khi trong đàm có lẫn ít máu.

          - Ho ra máu: ho khạc toàn máu đỏ tươi, số lượng có thể ít khoảng chừng một vài muỗng hoặc nhiều (ước lượng cỡ chén hoặc tô…)

          - Cảm giác khó thở, tức ngực, nặng ngực.

Đôi khi triệu chứng của bệnh lao rất mơ hồ khó nhận biết

          - Cảm giác mỏi mệt toàn thân

          - Ăn không thấy ngon miệng

          - Sụt cân không có nguyên do rõ rệt.

          - Sốt nhẹ dai dẳng, thường về buổi chiều hoặc không sốt mà chỉ có cảm giác gây gấy ớn lạnh.

          Tuy nhiên, người ta có thể vẫn đang mang bệnh lao thực sự mà hoàn toàn không có triệu chứng gì cả. Những người này thường chỉ được phát hiện bệnh một cách tình cờ khi chụp Xquang phổi qua một lần khám sức khỏe định kỳ.

Khi nào nên đi khám bệnh?

        Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới: Nếu thấy ho khạc kéo dài trên ba tuần, uống thuốc ho thông thường không khỏi, kèm thêm mỏi mệt hoặc sốt nhẹ về chiều thì nên đi khám bệnh và làm xét nghiệm đàm tại cơ sở y tế địa phương.

Định bệnh lao

          Khi nghi ngờ bị bệnh lao, bác sĩ sẽ làm những xét nghiệm để xác định bệnh như:

          - Chụp X-quang phổi: Hình ảnh tổn thương trên phổi do lao thường nằm ở phía trên của phổi (đỉnh phổi) và thường có những “lỗ trống” trên phổi gọi là hang lao. Những “lỗ trống” này được tiếp xúc nhiều với dưỡng khí  nên trở thành môi trường lý tưởng cho vi trùng sống mạnh và gia tăng số lượng. Mọi bệnh nhân có kết quả X-quang không bình thường đều cần được thử nghiệm đàm để kiếm vi khuẩn gây bệnh.  

            - Tìm vi khuẩn lao trong đàm: đây là thử nghiệm rất chính xác để chẩn đoán lao phổi, lại rẻ tiền, dễ thực hiện, thích hợp với các quốc gia đang phát triển. Xét nghiệm tìm khuẩn lao trong đàm là tiêu chuẩn quan trọng để điều trị bệnh lao sớm. Để xét nghiệm đàm đúng quy cách và cho kết quả đúng, người bệnh nên lấy mẩu đàm vào buổi sáng sớm mới vừa thức dậy và nên thử đàm nhiều lần (2 hoặc 3 lần, mỗi lần thử cách biệt nhau chứ không nên khạc thử ngay một lúc 2 – 3 mẩu đàm). Nên cố gắng khạc đàm sâu chứ đừng chỉ khạc nước bọt sẽ cho kết quả âm tính giả (có bệnh lao thực sự nhưng kết quả thử đàm không có vi trùng). Một số trường hợp tìm vi khuẩn lao trực tiếp bằng kính hiển vi khó khăn sẽ được thay thế bằng kỹ thuật nuôi cấy trong môi trường đặc biệt.

          Việc định bệnh sớm là điều rất cần thiết để người bệnh được chữa trị bệnh sớm, để mau khỏi bệnh và ít phải chịu đựng những ảnh hưởng nặng nề của bệnh trên hai lá phổi. Đứng về mặt xã hội và cộng đồng, định bệnh và chữa trị bệnh sớm sẽ giảm bớt được sự lây lan bệnh trong cộng đồng. Trung bình một người mắc bệnh  mà không được chữa trị sẽ làm lây lan bệnh cho khoảng 12 đến 15 người trong một năm. Như vậy cứ một người bệnh được phát hiện trễ sẽ làm lây lan ra nhiều người xung quanh và những người này lại được phát hiện trễ, sự việc cứ thế nhân lên…

Bệnh lao ở các cơ quan khác

           Có một số ít trường hợp bệnh lao xuất hiện ở các cơ quan khác không phải là hai lá phổi, còn được gọi là lao ngoài phổi. Có khi vi khuẩn lao đã gây bệnh tại phổi nhưng người bệnh chưa được phát hiện và chữa trị nên vi khuẩn tiếp tục sinh sôi phát triển và lan tới những cơ quan khác của cơ thể. Khi đó người bệnh vừa bị lao phổi, vừa bị lao ở cơ quan khác và bệnh tình thường khá trầm trọng. Cũng có trường hợp vi khuẩn lao chỉ “quá cảnh” tại phổi mà không gây bệnh tại phổi, sau đó, theo dòng máu mà đi đến nhiều cơ quan trong cơ thể và gây bệnh tại các cơ quan này.  Mỗi thể bệnh này đều có nhưng biểu hiện riêng biệt khác nhau. Ví dụ: 

  • Lao màng não: Người bệnh thường nhức đầu, nóng sốt, buồn nôn và nôn ói nhiều. Có khi có lú lẫn, hay quên hoặc nặng hơn là lừ đừ, hỏi trả lời chậm chạp, ngủ gà (nằm ngủ nhiều cả ngày, khi lay gọi thì mở mắt ra trả lời ), li bì hoặc hôn mê. Đây là thể bệnh lao nặng nề nhất và có nhiều người tử vong vì căn bệnh này.
  • Lao kê: Vi khuẩn lao theo đường máu đi đến nhiều nơi trong cơ thể tạo thành những nốt li ti ở nhiều cơ quan như phổi, gan, lách… Lao kê được xem là thể bệnh lao khá nặng còn được gọi là lao toàn thể, và thường hay đi kèm với lao màng não.
  • Lao thận – Lao tiết niệu: Giai đoạn đầu bệnh rất âm thầm, về sau có nóng sốt nhẹ, tiểu lắt nhắt, tiểu buốt, tiểu ra máu. Nếu để lâu không chữa trị, vi khuẩn lao sẽ lan từ một thận qua hai thận, lan sang các ống dẫn tiểu, bàng quang dẫn đến lao toàn bộ cơ quan tiết niệu.
  • Lao sinh dục: Vi khuẩn lao có thể đến cơ quan sinh dục từ đường máu hoặc đi từ các bộ phân lân cận đã bị nhiễm lao. Ở nam giới có thể lao túi tinh, mào tinh hoàn, dương vật; Ở nữ thường có lao ống dẫn trứng,   tử cung, cổ tử cung, âm đạo…Lao sinh dục – dù ở nam hay nữ - là một trong những nguyên nhân gây vô sinh. Riêng ở nữ, lao sinh dục có thể gây ra bệnh lao của bào thai khi còn đang nằm trong tử cung người mẹ và bất hạnh làm sao, đứa bé sẽ bị bệnh lao ngay từ khi mới chào đời.
  • Lao xương khớp: Vi khuẩn lao theo đường máu đến xương hoặc khớp và gây ra đau đớn tại vùng xương khớp bị lao. Xương hay bị tổn thương nhất là cột sống sẽ gây ra biến dạng đốt sống, lâu ngày dẫn đến gù vẹo cột sống. Bộ phận lân cận của cột sống là tủy sống rất dễ bị ảnh hưởng do gù vẹo cột sống hoặc ổ mủ lao chèn ép. Hậu quả là người bệnh sẽ bị yếu hoặc liệt hoàn toàn hai chân và muốn chữa khỏi tình trạng này chỉ có cách phải phẫu thuật.
  • Lao đường ruột: Vi khuẩn lao xâm nhập vào đường tiêu hóa rồi gây ra các triệu chứng như đau bụng âm ỉ, tiêu chảy dai dẳng, có thể gây tắc ruột hoặc biến chứng nặng như thủng ruột, viêm phúc mạc… Những trường hợp này phải mổ cấp cứu mới giữ được tính mạng.
  • Lao màng phổi, lao màng bụng, lao màng tim: Vi khuẩn lao đến gây bệnh tại các màng này trong cơ thể làm cho các màng này bị viêm và tiết ra nhiều dịch. Nếu lao ở màng phổi hoặc màng tim, người bệnh sẽ có triệu chứng sốt, ớn lạnh, mệt mỏi, cảm giác tức ngực khó thở do tràn dịch màng phổi hoặc tràn dịch màng tim. Nếu thấy bụng nặng nề và to dần có thể có tràn dịch màng bụng. Nếu người bệnh đi khám sớm sẽ được các bác sĩ làm các thủ thuật để lấy dịch ra làm xét nghiệm.
  • Lao hạch: Đây là thể bệnh lao tương đối nhẹ nhất với biểu hiện hạch bị lao sưng to lên. Thường gặp ở các hạch dọc hai bên cổ và vùng trên xương đòn, hạch ở hai bên nách… Hạch lao thường không gây đau nên đôi khi bị bỏ qua, lâu ngày hạch xì mủ ra ngoài da tạo thành vết loét không lành. Khi bị nổi hạch, nên đi khám để được định bệnh nổi hạch do nguyên nhân gì, nếu do lao nên được điều trị sớm để tránh lan tràn ra các cơ quan khác hoặc xì mủ ra da tạo sẹo rất xấu.

          Ngoài các biểu hiện tương ứng với cơ quan bị lao như nêu trên, hầu hết các thể bệnh lao ngoài phổi đều có những dấu hiệu chung của bệnh lao như mệt mỏi, sụt cân, sốt chiều, ăn kém ngon… Trong khi bệnh lao phổi rất dễ gây lây nhiễm qua đường hô hấp do vi khuẩn lao từ phổi bị bắn ra ngoài do người bệnh ho khạc, hắt hơi, nói chuyện…, ngược lại, các thể bệnh lao ngoài phổi thường ít khi gây lây nhiễm cho người xung quanh.