PHÒNG TRÁNH CÁC YẾU TỐ KHỞI PHÁT CƠN HEN CẤP

PHÒNG TRÁNH CÁC YẾU TỐ KHỞI PHÁT CƠN HEN CẤP
Ngày đăng: 05/09/2022 02:44 PM

          Các yếu tố có thể “chọc giận” các phế quản ở người hen suyễn lại hầu như vô hại đối với người bình thường. Người không mắc bệnh suyễn có thể thưởng thức hương thơm của bông hoa hoặc có thể nuôi các loài thú cưng có lông như chó mèo nhưng đối với người mắc bệnh suyễn thì nên dè dặt, cẩn thận. Tuy vậy, cùng mắc bệnh suyễn với nhau nhưng người này lại khác với người kia. Có người thì lên cơn hen suyễn khi hít phải phấn hoa nhưng cũng có người chỉ bị khó thở sau khi vuốt ve con mèo mà không có phản ứng gì với phấn hoa…Một người có thể bị kích thích phế quản bởi nhiều yếu tố khởi phát cơn hen khác nhau và thật khó có thể biết được đầy đủ tất cả các yếu tố này. Dưới đây là một số yếu tố khởi phát cơn hen cấp thường gặp.

Các dị nguyên trong không khí

          Là các chất li ti nằm lơ lửng trong không khí và có thể gây ra cơn hen suyễn cấp nếu bị người mắc bệnh hen suyễn hít vào, bao gồm bụi nhà, phấn hoa, lông thú, nấm mốc, gián, khói, các loại hóa chất…

  • Bụi nhà: Bụi nhà là bụi chỉ có ở trong nhà, chính xác là các thứ bụi tích tụ, lưu cữu quanh năm ở giường nệm, gầm giường, nóc tủ, kệ sách, nhà kho hoặc bám trong màn, rèm cửa… Khi phân tích bụi nhà, người ta thấy đây là một hỗn hợp vô số các loại tạp chất li ti trong nhà bao gồm những chất vô cơ, chất hữu cơ và cả những vi sinh vật nữa. Loại vi sinh vật thường có trong bụi nhà và thường gây khởi phát cơn hen nhất là con mạt nhà (tên khoa học là Acarina). Loài mạt nhà này là một loại côn trùng thuộc họ nhện, nhưng rất nhỏ không thể nhìn thấy được bằng mắt thường. Chúng thường sống ở phòng ngủ, phòng khách, nhà bếp, phát triển mạnh ở những nơi như nệm, thảm, gối, vật dụng nội thất…Chúng ăn lông, vảy da người tróc ra, mồ hôi…Chính bản thân loài mạt nhà này và phân do chúng thải ra là loại dị nguyên không khí rất dễ gây ra cơn hen cấp.   
  • Phấn hoa: Vào mùa cây cối đơm hoa kết trái, phấn hoa sẽ theo gió bay đi khắp nơi. Phấn của các loại hoa hiện diện ở gần nơi người mắc bệnh hen suyễn đang sinh sống hoặc làm việc có thể là tác nhân gây ra cơn hen suyễn cấp. Đó có thể là phấn hoa của các loài cây trồng trong vườn nhà mình, của những nhà khác trong xóm hoặc các loại cây trồng ven đường trong khu vực được gió phát tán đi xa. Tùy theo loại cây ra hoa theo mùa hay quanh năm mà người bệnh có thể bị bệnh vào những thời điểm nhất định trong năm hoặc quanh năm.
  • Lông thú: Lông của các loại thú nuôi trong trong nhà có lông mao như chó, mèo… hoặc có lông vũ như gà, vịt, chim chóc… đều là dị nguyên không khí, trong đó lông mèo là tác nhân gây hen suyễn thường gặp nhất. Trên thực tế, lông thú vật tự nó không gây dị ứng mà người ta thường dị ứng với nước bọt hoặc nước tiểu dính trên lông. Lông mèo thường gây cơn hen nhất, có lẽ do mèo hay liếm lông.
  • Nấm mốc: Nấm mốc thường có ở những nơi ẩm thấp. Trong nhà, nấm mốc thường có ở những nơi thường xuyên ẩm ướt như nhà tắm, nhà bếp, trần nhà thấm dột lâu ngày hoặc có trong giường nệm, thảm, sách vở cũ… Ở bên ngoài, đất ẩm ướt rong rêu, các loại phân ủ bằng lá cây mục là những nơi có chứa nhiều nấm mốc... Các bào tử nấm có thể theo gió phát tán khắp nơi và kích thích phế quản của người bệnh hen suyễn gây ra cơn hen cấp.
  • Gián: Loài gián là loài côn trùng phổ biến trên thế giới, có mặt khắp nơi từ vùng xích đạo cho đến hai cực của địa cầu. Một nghiên cứu cho thấy 78 – 98% ngôi nhà ở thành thị có gián. Các mảnh xác gián, phân, nước bọt, chất tiết của gián là những chất gây dị ứng mạnh. Các chất này tích tụ lâu năm trong nhà, lâu dần phân hủy thành những mảnh li ti trong không khí và có thể gây cơn hen cấp khi bị người bệnh hen suyễn hít vào.
  • Khói: Các loại khói kể cả trong nhà hay ngoài trời, bao gồm khói than củi đun bếp hoặc sưởi ấm, khói nhang, khói đốt lá cây, các loại khí thải đều có thể là nguyên nhân gây ra cơn suyễn. Hít phải khói thuốc lá do người khác hút, còn gọi là hút thuốc lá thụ động, cũng có thể bị lên cơn hen cấp.
  • Hoá chất: Các hóa chất hoặc vật dụng có mùi đều có thể gây kích thích phế quản. Bạn mua một loại nước gội đầu, nước hoa hay có khi chỉ là cục xà bông mới, vừa tắm gội xong đã có thể lên cơn suyễn. Bạn mua một món đồ mới còn thơm mùi sơn, một tấm nệm, một cái mền mới… tất cả các mùi lạ cũng đều có thể là yếu tố phát động cơn suyễn cấp. Các loại hóa chất tẩy rửa thường có mùi nồng gắt nên rất dễ gây cơn hen.

Các yếu tố khởi phát cơn hen cấp khác

          Không chỉ là các dị nguyên bay lơ lửng trong không khí có thể gây kích thích trực tiếp các phế quản, còn có các chất khác cũng có thể gây khởi phát cơn hen suyễn: 

  • Thức ăn: Một số người có thể lên cơn suyễn sau khi ăn một số thức ăn gây dị ứng, thường khoảng hai giờ sau khi ăn. Các loại thức ăn có thể gây dị ứng là tôm, cua, cá biển, thịt bò, sữa bò, đậu phụng, đậu nành, chocolate…
  • Đồ uống: Một số thức uống như rượu, bia cũng có thễ gây cơn hen suyễn. Thật ra yếu tố gây dị ứng trong các loại đồ uống này thường là do một chất phụ gia trong thực phẩm có tên sulphite.
  • Thuốc men: Một số thuốc tân dược cũng gây ra cơn hen cấp. Một số người mắc bệnh hen suyễn khi dùng các thuốc trị đau nhức như Aspirin, Felden, Diclofenac, Ibuprofen…có thể xuất hiện cơn khò khè, khó thở. 
  • Nhiễm trùng hô hấp: Bị nhiễm trùng hay nhiễm vi rút đường hô hấp trên, chẳng hạn như cảm cúm, viêm xoang hoặc viêm phế quản cũng thường là một yếu tố làm khởi phát cơn suyễn, nhất là ở trẻ em.
  • Trào ngược dạ dày - thực quản: Dịch dạ dày có nhiệm vụ giúp tiêu hóa thức ăn trong dạ dày. Ở một số người có hiện tượng dịch dạ dày bị trào ngược theo thực quản lên đến vùng hầu họng làm cho người bệnh có biểu hiện ợ chua, ợ nóng. Một ít dịch dạ dày này có thể bị hít vào phế quản và gây ra cơn hen suyễn cấp.
  • Luồng khí lạnh và khô: Thời tiết lạnh và khô cũng thường gây ra cơn hen cấp, nhất là để cho luồng khí lạnh hướng trực tiếp vào vùng mũi.
  • Cười giỡn nhiều: Người ta nhận thấy nhiều đứa trẻ thường lên cơn hen suyễn sau một trận cười nghiêng ngã hoặc đùa giỡn thỏa sức. Ở người lớn, tình trạng này ít gặp hơn nhưng cơn suyễn cũng có thể xuất hiện khi có cảm xúc hưng phấn hoặc stress.
  • Gắng sức: Thực hiện một công việc gì đó đòi hỏi phải gắng sức như khiêng vác nặng, chạy nhảy, tập luyện thể dục thể thao có thể gây ra cơn hen ở một số người mắc bệnh suyễn mặc dù trước khi gắng sức họ hoàn toàn bình thường. Triệu chứng khò khè khó thở thường xuất hiện khoảng 5 – 10 phút sau khi bắt đầu gắng sức.

Tìm kiếm các yếu tố khởi phát cơn hen

          Cùng mắc bệnh suyễn như nhau nhưng tác nhân gây cơn suyễn của mỗi người lại ‘không ai giống ai’. Có người thì lên cơn hen suyễn khi hít bụi nhà hoặc lông mèo nhưng cũng có người “bình chân như vại” đối với  lông mèo nhưng lại khó thở khi gặp phải khói nhang…Vì thế, thường không thể đem “kinh nghiệm” của người này “truyền” cho người khác.

          Thật khó để biết một cách đầy đủ một người mắc bệnh suyễn có thể bị khởi phát cơn suyễn bởi những yếu tố nào. Một số trường hợp có thể đoán biết được nguyên nhân gây cơn hen do triệu chứng lặp đi lặp lại nhiều lần sau khi tiếp xúc với cùng một loại dị nguyên, ví dụ: cứ mỗi lần đi chùa hít phải khói nhang là người bệnh lại lên cơn hen..; một số trường hợp khác người ta không thể biết được rõ ràng. Có người sống ở vùng này thì rất hay lên cơn hen suyễn nhưng các cơn hen lại “lặn mất tăm” khi dọn đến sống ở vùng khác hay ngược lại; có lẽ thủ phạm là do phấn hoa của các loại cây mọc ở những địa phương khác nhau nhưng thường không biết được chính xác loại dị nguyên nào. Dị nguyên trong không khí - kẻ thù giấu mặt - rất nhiều và đa dạng nên khó có thể biết được chính xác là loại di nguyên nào là nguyên nhân.

          Ở một số đơn vị chuyên khoa hô hấp hoặc nghiên cứu sâu về dị ứng học, người ta thực hiện các thử nghiệm trên da để tìm xem loại dị nguyên nào có thể thường là nguyên nhân gây ra cơn hen cấp đối với người đó. Người ta tiêm một lượng rất nhỏ tinh chất của các loại dị nguyên nghi ngờ gây suyễn như bụi nhà, phấn hoa, lông chó mèo … vào mặt trước cẳng tay của người bệnh và quan sát sau 30 phút. Nếu chỗ tiêm loại dị nguyên nào bị sưng và ngứa tức là người bệnh bị dị ứng với loại dị nguyên đó. Điểm yếu của xét nghiệm này là các loại thuốc thử hiện dùng tại Việt Nam thường nhập từ nước ngoài và vì vậy có một số chất không phù hợp với môi trường Việt Nam và người bệnh Việt Nam. Ví dụ tinh chất của dị nguyên gián dùng trong thử nghiệm da lấy từ một loài gián sống phổ biến ở châu Âu mà không có ở Việt Nam, vì vậy kết quả thử nghiệm không giúp ích gì cho việc phòng tránh cơn suyễn.

Phòng tránh các yếu tố khởi phát cơn hen

          Bạn có thể góp phần ngăn chặn các cơn hen suyễn bằng cách tránh xa các tác nhân gây hen suyễn đã được biết đối với chính mình. Có thể không hoàn toàn loại trừ được hết tất cả các tác nhân gây cơn hen suyễn, nhưng bạn vẫn nên cố gắng loại bỏ càng nhiều càng tốt các tác nhân gây hen suyễn ở nhà và nơi làm việc của mình. Điều này có thể giúp bạn tận hưởng một cuộc sống khỏe mạnh hơn với các triệu chứng ít hơn và các cơn hen suyễn ít xảy ra hơn. Trong thực tế, việc xác định và tránh các tác nhân gây hen suyễn nên là một phần của một kế hoạch chi tiết để giúp kiểm soát thành công bệnh hen suyễn của bạn. Qua kinh nghiệm và sự quan sát hàng ngày, mỗi người bệnh sẽ biết được bản thân mình sẽ dễ lên cơn hen suyễn khi tiếp xúc với những loại dị nguyên không khí nào và sẽ có cách phòng tránh tích cực và hữu hiệu hơn.

Nếu không thể biết được chính xác những tác nhân khởi phát cơn suyễn của riêng mình, bạn nên cẩn thận phòng tránh với tất cả các tác nhân gây cơn hen suyễn đã được nêu ra. Với mỗi loại tác nhân đều có những biện pháp phòng tránh riêng biệt.

  • Bụi bặm trong nhà: Vệ sinh thường xuyên phòng ngủ, tránh không để quá nhiều đồ đạc dễ bám bụi (màn cửa, rèm cửa, thảm lót sàn, thảm chùi chân, ghế bọc nệm, đồ đạc ở gầm giường, nóc tủ…). Nếu ngủ nệm, nên hút bụi giường nệm thường xuyên và thay mới nếu nệm dùng lâu trên 5 năm. Xem xét thay bỏ các gối cũ. Giặt khăn trải giường và chăn mỗi tuần trong nước nóng trên 55oC (để tiêu diệt loài mạt nhà). Bọc che nệm và gối trong bao không dính bụi. Không để thú nhồi bông trong giường và giặt chúng định kỳ trong nước nóng.
  • Phấn hoa. Hạn chế trồng trong vườn hoặc quanh nhà mình các loại cây có hoa, nếu đã có phải tích cực phòng tránh bằng cách chặt bỏ hay mang đi nơi khác nếu được. Nếu nghi ngờ bản thân mình bị lên cơn hen suyễn do phấn hoa của các loại cây không thuộc sở hữu của mình (cây xanh công cộng hoặc cây của nhà hàng xóm…) thì nên tìm cách di chuyển đi nơi khác (du lịch, đi công tác, về quê…) vào mùa cây trỗ hoa hoặc xem xét việc thay đổi chỗ ở nếu có thể. Nếu các biện pháp trên đều không thể thực hiện, tránh ra khỏi nhà và cố gắng đóng kín cửa sổ vào mùa cây trỗ hoa, nhất là vào buổi trưa, do lượng phấn hoa thường xuất hiện nhiều nhất vào thời điểm này trong ngày.
  • Lông thú: Tránh không nuôi chó mèo hoặc các loại súc vật có lông khác. Nếu bạn đang có một chú thú cưng trong nhà, hãy tìm một nơi ở mới cho con thú của bạn hay để chúng ở bên ngoài nhà. Nếu không thể nuôi các con thú ở ngoài nhà, tuyệt đối không cho chúng vào phòng ngủ. Tắm thú thường xuyên (nếu được) để loại bớt các vẩy da chết. Tránh dùng các vật dụng dễ là nơi bám lông như màn cửa, rèm cửa, thảm lót sàn, thảm chùi chân, khăn trải bàn ghế bằng vải, ghế bọc nệm…
  • Nấm mốc: Vệ sinh nhà cửa thường xuyên và tích cực chống thấm dột để loại bỏ những nơi ẩm mốc. Sửa chữa các vòi nước, ống nước bị rò rỉ và các nguyên nhân khác gây rỉ nước Thỉnh thoảng cọ rửa sàn nhà tắm, nhà bếp bằng các dung dịch sát trùng. Những kệ sách cũ đã lâu năm, những lớp giấy dán tường cũ kỹ nên loại bỏ hay thay thế, tốt nhất là dùng sơn chống mốc. Nệm gối và các vật dụng bằng gỗ dùng lâu ngày thỉnh thoảng phải đem phơi nắng. Lau nấm mốc trên các bề mặt bằng khăn lau có tẩm thuốc tẩy và lưu ý giảm độ ẩm trong nhà dưới 50%.
  • Gián: Nếu bạn nhìn thấy ít nhất một con gián có nghĩa là có không dưới 800 con gián khác ở rải rác đâu đó trong nhà bạn Phải tích cực phòng tránh gián bằng cách không để thức ăn trong phòng ngủ. Cất thức ăn trong các vật chứa có nắp đậy (không nên để thức ăn không được đậy đệm cần thận). Cho rác vào thùng rác kín và đổ rác mỗi ngày. Tránh để thấm rỉ nước từ bồn rửa, nhà vệ sinh. Rửa sạch chén dĩa sau khi ăn, không để qua đêm. Dùng bình xịt để diệt gián hoặc bẫy gián.
  • Khói: Tránh đi đến những nơi có quá nhiều khói nhang như đền chùa…, Không cho phép hút thuốc trong nhà hay xung quanh bạn, đặc biệt trong những khoảng không gian kín như phòng ngủ hoặc trong xe hơi. Không dùng lò nấu củi hay dầu lửa.
  • Hóa chất: Hạn chế sử dụng những hóa chất có mùi nồng gắt như nước hoa, phấn rôm (talc), xịt tóc, xịt phòng, bình phun sơn, thuốc diệt côn trùng…
  • Thời tiết lạnh và khô: Che mũi và miệng của bạn bằng một chiếc khăn choàng khi ra ngoài vào những ngày mùa đông lạnh lẽo để tránh hít trực tiếp luồng khí lạnh và khô. Người bệnh hen suyễn vẫn có thể sử dụng máy điều hòa nhiệt đô nhưng không để nhiệt độ quá lạnh và không để cho luồng khí từ bộ phận quạt gió hướng trực tiếp vào mũi.
  • Gắng sức : (Xem bài Hen suyễn và thể dục thể thao)
  • Nhiễm trùng hô hấp: Nếu cảm lạnh và nhiễm khuẩn thường làm bùng phát cơn hen câp, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn về việc triển khai một kế hoạch điều trị để thực hiện ngay khi bắt đầu cảm thấy mệt. Tiêm ngừa cúm hàng năm. Cố gắng thực hiện một lối sống khoẻ mạnh qua việc nghỉ ngơi nhiều, ăn một chế độ ăn cân bằng, tập thể dục đều đặn, uống nhiều nước và tránh tiếp xúc với người bị cảm lạnh hay bị cúm.
  • Thức ăn: (Xem bài Hen suyễn và dị ứng thức ăn)
  • Thuốc men: Khi đi khám vể những vấn đề sức khỏe khác không phải bệnh hen suyễn, bạn cần thông báo cho bác sĩ của bạn biết bạn mắc bệnh hen suyễn. Cần lưu ý về các loại thuốc bạn đang sử dụng như aspirin, thuốc cảm, các thuốc giảm đau không steroid (như ibuprofen, naproxen) và thậm chí cả thuốc nhỏ mắt.