SỐNG CHUNG VỚI BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH

18/09/2022
Tin về các bệnh hô hấp
Lượt xem: 442

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là căn bệnh mạn tính kéo dài cho đến suốt quãng đời còn lại kể từ khi phát bệnh, vậy trung bình mỗi người bệnh phải chịu đựng căn bệnh này khoảng từ mười năm đến hai ba chục năm. Để có thể sống chung với bệnh một cách thoải mái, vui vẻ, chất lượng cuộc sống tốt, cô bác phải biết cách thay đổi những thói quen, sắp xếp lại công việc, bố trí lại dụng cụ đồ đạc trong nhà, tiết kiệm năng lượng và biết cách kiểm soát căn bệnh không để cho bệnh gây ảnh hưởng xấu đến đời sống vật chât cũng như tinh thần của mình. 

Nội dung bài này sẽ lần lượt đề cập đến các sinh hoạt hàng ngày của cô bác, bao gồm:

  • Vệ sinh cá nhân: Tắm rửa – Chải chuốt – Mặc quần áo – Đại tiểu tiện
  • Sinh hoạt trong nhà: Dọn dẹp nhà cửa – Làm bếp
  • Thói quen - sinh hoạt cá nhân: Thuốc men – Đi ngủ – Quan hệ tình dục
  • Đời sống tinh thần: Ra ngoài – Du lịch – Mua sắm - Thư giãn – Giải trí
  • Quan hệ xã hội: Công việc – Gia đình  và xã hội

Vệ sinh cá nhân

          Vệ sinh cá nhân là việc mà ai cũng phải làm, thế nhưng có nhiều cô bác bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường bị khó thở khi làm những việc này. Tự làm vệ sinh cá nhân sẽ giúp cho cô bác cảm giác thoải mái, dễ chịu và quan trọng hơn là cảm giác tự chủ, không lệ thuộc vào người khác.

Tắm rửa

        Tự tắm rửa là một trong những việc rất thường gây khó thở, vì vậy cô bác không nên tắm khi thấy trong người không khỏe và đang ở nhà một mình. Khi tắm nên dùng vòi hoa sen loại đặt trên cao phun nước xuống hoặc loại cầm tay có ống dẫn nước đủ dài di động dễ dàng, không nên tắm bằng cách múc từng gáo nước xối lên người rất dễ bị mệt. Nên dùng bàn chải có cán dài để kỳ cọ, tránh phải cúi người hoặc vói tay. Nếu thuận tiện, cô bác nên tắm ngồi thay vì tắm đứng. Cần lưu ý khi đặt ghế trong nhà tắm nên chọn lựa loại ghế chắc chắn, không dễ trơn trợt (không nên dùng loại ghế nhựa), có chiều cao thích hợp, có thể có chỗ dựa lưng hoặc không tuỳ ý. Ngoài ra nên đặt những thanh vịn trong nhà tắm để có chỗ tựa khi cần thiết, nhất là đặt chỗ gần bàn cầu để có điểm tựa khi đứng lên. Cô bác cũng không nên dùng các loại xà bông tắm, dầu gội… có mùi nồng gắt có thể gây kích thích đường hô hấp làm khó thở. Lúc thời tiết lạnh, cô bác nên tắm bằng nước nóng. Nếu dùng máy nước nóng trong phòng tắm đóng kín cửa, không khí ẩm và kém lưu thông rất dễ gây mệt, cô bác nên mở rộng cửa sổ hoặc dùng quạt hút. Nếu cô bác đang được thở oxy dài hạn tại nhà, cô bác nên sắp xếp để có thể thở oxy cả trong khi tắm: bình oxy đặt cạnh cửa, dây dẫn oxy đủ dài đưa vào nhà tắm.

Chải chuốt

         Cô bác nên đặt bàn có kiếng soi mặt thấp để có thể vừa ngồi vừa cạo râu, chải tóc hay trang điểm… Nên đặt dụng cụ vừa tầm tay. Cô bác nên tránh dùng các loại nước hoa dạng phun xịt vì có thể gây kích ứng đường hô hấp mà nên thay bằng dạng thoa, dạng lăn, dạng gel.

Mặc quần áo

         Để tiết kiệm năng lượng, cô bác nên sắp xếp tủ quần áo sao cho dễ lấy, vừa tầm tay, không treo áo quá cao để hạn chế động tác với tay. Tránh các loại quần áo chật, bó sát, quần áo quá nhiều lớp, các loại áo cổ kín, cổ cao, áo cài nút sau lưng, vớ có vòng thun siết chặt…có thể làm hạn chế động tác hô hấp. Nếu khó chịu khi dùng dây nịt (thắt lưng), nên thay bằng quần lưng thun hoặc quần có dây đeo vai. Đối với phụ nữ, nên dùng áo ngực loại mềm mại, co giãn hoặc thay bằng áo lót.

          Khi mặc quần áo, nên ngồi để tránh khó thở. Nếu thấy mệt khi cúi gập người, nên sử dụng các dụng cụ mang vớ có dây kéo (ảnh), dụng cụ mang giày có cán dài. Không nên dùng các loại giày có dây cột.

Đại tiểu tiện

          Đại tiểu tiện có thể làm cho một số cô bác lớn tuổi gặp khó khăn. Ở người cao tuổi, hệ tiêu hóa hoạt động kém hiệu quả, nhu động ruột giảm trong khi nhiều cô bác bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường ít vận động nên rất dễ bị táo bón. Táo bón làm cho cô bác phải gắng sức nhiều và mất khá nhiều năng lượng nên thường gây khó thở. Để tránh táo bón, nên chú ý uống nhiều nước, ăn đủ rau quả và tập vận động thường xuyên. Để bổ sung chất xơ, cô bác có thể chọn các loại sữa có chứa chất xơ trên thị trường hoặc thuốc chống táo bón tạo chất xơ. Nếu phân quá cứng có thể dùng các loại thuốc dầu bơm hậu môn.

          Một số bác trai lớn tuổi thường có bệnh u xơ tiền liệt tuyến kèm theo nên thường phải gắng sức khi tiểu, trường hợp khối u lớn chèn ép và đường tiểu có thể gây bí tiểu. Các bác nên đi khám chuyên khoa để được điều trị thích hợp,  đồng thời cần lưu ý không dùng quá nhiều thuốc giãn phế quản loại Combivent*, Berodual* có thể làm dễ bí tiểu hơn.

Sinh hoạt trong nhà

          Có một số cô bác ở nhà một mình thường phải tự mình dọn dẹp nhà cửa và nấu bếp, một số cô bác khác ở chung với con cháu nhưng vẫn đảm nhiệm một số công việc nhà hoặc để cho khuây khỏa, hoặc vì nhà ít người. Để có thể làm tốt các việc này mà không bị khó thở, cô bác bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nên thực hiện theo nguyên tắc « tiết kiệm năng lượng tối đa» :

Dọn dẹp nhà cửa

          Cô bác nên sắp xếp để có thể đi một vòng trong nhà, tránh đi tới đi lui nhiều lần. Nếu được, cô bác nên dùng loại xe đẩy nhỏ có bánh xe (ảnh) để chất đồ đạc lên. Cô bác cũng nên hạn chế đi cầu thang. Nếu bắt buộc phải đi cầu thang, nên nghỉ ở khoảng giữa cầu thang và đặt ghế ở cuối thang để ngồi nghỉ. Nếu phải vệ sinh nhà cửa hoặc giặt giũ, nên tránh dùng các loại có mùi gắt như dầu lửa, long não, thuốc tẩy…

Làm bếp

           Cô bác nên sắp xếp các dụng cụ làm bếp sao cho vừa tầm tay, dễ lấy, tránh phải đi tới, đi lui nhiều lần. Nhà bếp cần thông thoáng, nên có quạt hút khí hoặc quạt máy nhỏ. Nên ngồi khi chuẩn bị món ăn. Chọn món ăn đơn giản, dễ làm, không cầu kỳ. Ưu tiên cho các thức ăn làm sẵn và nên tận dụng khả năng bảo quản thức ăn của tủ lạnh. Khi dọn dẹp nên dùng mâm hoặc xe đẩy nhỏ đỡ phải đi lại nhiều lần. Tuyệt đối tránh các loại bếp có nhiều khói hoặc các món nướng, thay vào đó nên ưu tiên sử dụng bếp điện hoặc lò vi sóng.

Thói quen – Sinh hoạt cá nhân

Thuốc men

          Sử dụng thuốc đều đặn theo đúng hướng dẫn của bác sĩ rất cần thiết để duy trì tình trạng ổn định của bệnh và phòng tránh các đợt cấp. Để không quên dùng thuốc, cô bác nên liên hệ thời khóa biểu dùng thuốc với các thói quen hàng ngày, ví dụ cứ mỗi sáng sẽ hít thuốc lúc mới ngủ dậy đánh răng súc miệng hoặc cứ mỗi buổi tối đều uống thuốc sau khi xem chương trình thời sự truyền hình….

          Đối với bình xịt hoặc bình hít, cô bác nhớ kiểm tra lượng thuốc còn lại trong bình và hạn sử sụng của thuốc. Nên chuẩn bị sẵn thuốc dự trữ và dùng thuốc đều đặn theo lời dặn của bác sĩ.

          Phần lớn cô bác lớn tuổi đều có nhiều bệnh khác kèm theo như tim mạch, tiểu đường, thần kinh, khớp…Để tránh lẫn lộn, cô bác nên sắp xếp hộp thuốc riêng của mình và nên ghi lại lịch dùng thuốc hàng ngày. Cô bác cũng có thể nhờ con cháu lấy thuốc cho mình và phân chia sẵn từng cử thuốc trong ngày để tránh nhẩm lẫn.

Thuốc lá

           Phải tuyệt đối bỏ thuốc lá vì bỏ thuốc lá là biện pháp điều trị cơ bản giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh. Thuốc lá còn là nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm khác như bệnh tim mạch, ung thư phổi, ung thư nhiều cơ quan khác. (Xem bài Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và thuốc lá). Ngoài ra, khi đã cai thuốc lá, cũng nên tránh tiếp xúc khói thuốc lá do người khác hút và vận động người xung quanh bỏ thuốc lá.

Đi ngủ

          Phòng ngủ của cô bác mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nên đặt ở tầng trệt nếu thuận tiện để tránh phải đi cầu thang nhiều lần. Trong phòng ngủ, nên bố trí các đồ vật cần thiết ngay trong tầm tay: công tắc bật đèn, điện thoại và các số điện thoại cần thiết, thuốc cắt cơn…Nên để đèn ngủ để dễ định hướng trong đêm. Nếu đi lại khó khăn hoặc phòng ngủ ở cách xa nhà vệ sinh, cô bác nên chuẩn bị sẵn chai nước, dụng cụ đi tiểu…trong phòng ngủ.

          Mất ngủ là bệnh lý hay gặp ở các cô bác lớn tuổi. Mất ngủ thường xuyên khiến cho người dễ mệt, mất tập trung. Nếu khó ngủ cô bác nên áp dụng các biện pháp thư giãn, nhạc êm dịu, giọng nói đều đều…để dỗ giấc ngủ. Nếu vẫn khó ngủ, cô bác nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng thuốc ngủ, tránh lạm dụng các loại thuốc an thần gây nghiện.

Sinh hoạt tình dục

          Thỏa mãn nhu cầu về tình dục là một trong yêu cầu về chất lượng cuộc sống ở bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Cô bác cũng nên hiểu rõ rằng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và các thuốc để điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính không ảnh hưởng gì đến việc đạt được khoái cảm tình dục. Ngoài ra, các thay đổi trong đời sống tình dục thường là một biểu hiện bình thường của quá trình lão hoá.

          Để có thể thỏa mãn trong đời sống tình dục, cô bác nên kiểm soát bệnh tốt và tuân thủ điều trị tốt. Liệu pháp vận động cũng giúp cho cô bác tăng cường sức khoẻ, giảm bớt khó thở, chống trầm cảm và giúp sinh hoạt tình dục dễ dàng hơn.

          Để có thể đạt được sự thăng hoa trong lúc chăn gối với bạn tình, cô bác mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần có một số chuẩn bị.

+Trước hết, cần tìm kiếm sự thông cảm từ phía người bạn tình bằng cách đối thoại chân tình và thẳng thắn.

          +Nên sử dụng thuốc giãn phế quản ngay trước và trong khi sinh hoạt tình dục để tránh khó thở. Nếu có nhiều đàm, nên sử dụng các kỹ thuật thông đàm để làm thông thoáng phế quản. Tránh ăn quá no và uống nhiều rượu.

          +Nên chọn các tư thế thuận tiện và dễ dàng hơn như tư thế “bên – bên” thay cho tư thế cổ điển. Người bạn tình nên ở thế chủ động để giúp cô bác tránh bị mệt. Nếu vẫn gặp khó khăn, sử dụng các dụng cụ hỗ trợ sẽ giúp mọi việc dễ dàng hơn.

Đời sống tinh thần

Ra ngoài

         Khi phải đi ra ngoài, cô bác nên sắp xếp công việc sao cho không lúc nào phải vội vã, làm việc gì cũng khoan thai, vừa với sức mình. Nếu cô bác đi xe ô tô, tránh vào xe ngay sau khi xe đỗ lâu ở ngoài nắng vì đễ bị thiếu oxy. Nên vặn máy điều hòa hoặc mở toang cửa xe cho thoáng trước khi vào xe khoảng 5 - 10 phút.

          Tránh đến những nơi đông người mà kém thoáng khi như trong tầng hầm, xe buýt, trong nhà kín nơi công cộng vì không khí có nhiều thán khí và dễ bị lây nhiễm bệnh qua đường hô hấp. Nhiễm trùng hô hấp vốn là một nguyên nhân gây ra đợt cấp thường gặp nhất. (Xem bài ‘Những dấu hiệu cảnh báo đợt cấp và cách phòng tránh‘)

          Chú ý giữ ấm nếu khí hậu bên ngoài lạnh và nhiều gió. Nên chủng ngừa cúm hàng năm và chủng ngừa vi khuẩn phế cầu mỗi ba năm một lần.

Mua sắm

          Một số cô bác có nhu cầu đi mua sắm hoặc đi cùng với con cháu. Như đã nêu ở trên, nên chọn lựa địa điểm mua sắm thích hợp, tránh những nơi quá đông người. Nên sử dụng các loại xe đẩy khi đi mua sắm, tránh xách quá nặng.

          Cô bác cũng nên lưu ý việc mua và thử quần áo nhiều lần có thể làm cho rất mệt. Cô bác nên biết trước kích cỡ của mình hoặc mang theo thước dây để việc mua sắm dễ dàng hơn. Một biện pháp khác là cô bác chỉ mua sắm ở những tiệm quen để có thể đổi lại nếu không vừa.

Du lịch

         Với căn bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cô bác hoàn toàn có thể sắp xếp để tận hưởng những chuyến du lịch để làm giàu cho đời sống tinh thần. Trước khi đi du lịch, cô bác nên có một số chuẩn bị như sau :

  • Tìm hiểu kỹ nơi sẽ đến du lịch bao gồm cả khí hậu và các phương tiện y tế địa phương. Hạn chế đi đến những vùng núi cao, nơi có nồng độ oxy trong không khí thấp.
  • Chuẩn bị chu đáo trước khi đi:

+Các loại thuốc cắt cơn còn hạn sử dụng và đủ dùng.

+Hỏi ý kiến bác sĩ về các loại thuốc nên mang theo

+Các loại thuốc nên cho vào túi xách luôn mang theo bên mình

  • Không nên đi máy bay, vì có thể gây rối loạn hô hấp ở một số bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nặng. (Nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa). Nếu có nhu cầu cần thiết đi máy bay, nên liên hệ trước phương tiện thở oxy trong chuyến bay. Một số chuyến bay có trang bị oxy cho người bệnh nếu có yêu cầu.

Thư giãn - Giải trí

          Thư giãn, giải trí là những món ăn tinh thần rất quý báu và cần thiết cho tất cả mọi người. Đối với cô bác mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, những thú vui nhẹ nhàng như đọc sách, xem truyền hình, chăm sóc cây cảnh, nuôi chim, đấu cờ… sẽ giúp cô bác thoải mái, bớt lo âu, bớt trầm cảm, chống stress và có chất lượng cuộc sống tốt hơn. Nên chọn những việc nhẹ nhàng theo ý thích và vừa với sức mình.

Quan hệ xã hội

Công việc

         Cô bác mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đều là những người trung niên và cao tuổi  (> 40 tuổi). Xã hội vẫn rất cần những đóng góp quý báu đầy kinh nghiệm và từng trải của cô bác, vì vậy nếu chưa đến tuổi hưu, cô bác vẫn có thể tiếp tục đảm nhiệm những công việc không đòi hỏi phải gắng sức nhiều. Nếu cô bác đã đến tuổi hưu, cô bác vẫn có thể tham gia công tác xã hội hoặc từ thiện, làm những công việc nhẹ nhàng vừa giúp đóng góp cho xã hội, vừa giúp bản thân tự tin đẩy lùi bệnh tật.

Gia đình

          Nếu cô bác không thể tham gia công tác xã hội vì nhiều lý do, cô bác cũng có thể có những đóng góp nhỏ trong gia đình cũng sẽ đem lại nhiều hạnh phúc khi vui vầy cùng con cháu.

          Ngoài ra, chia sẻ cùng người bạn đời những khó khăn trong căn bệnh của mình sẽ giúp cho cô bác có thêm những sức mạnh tinh thần và những hỗ trợ tuyệt vời.

Sống Neo đơn

          Một số cô bác chỉ sống một mình hoặc gần như một mình vì con cháu quá bận rộn , cô bác cần phải lưu ý các việc sau:

          - Luôn có sẵn số điện thoại của phòng cấp cứu, phòng tư vấn y khoa hoặc bác sĩ gia đình, ghi ở nơi dễ thấy hoặc cài sẵn trong điện thoại.

          - Nên đặt điện thoại trong tầm tay ở bất kỳ lúc nào (nên dùng điện thoại di động hoặc điện thoại không dây).

          - Không nên sống khép kín mà nên luôn có mối liên hệ với người xung quanh: bạn bè, họ hàng hoặc hàng xóm hoặc nên tham gia sinh hoạt trong các nhóm nhỏ như các câu lạc bộ bệnh nhân, các câu lạc bộ người cao tuổi…

Chia sẻ

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Ung thư phổi là gì? Nguyên nhân bắt nguồn từ đâu?

Ung thư phổi là bệnh lý ác tính phổ biến hàng đầu tại Việt Nam cũng như thế giới. Theo thống kê, bệnh này đứng thứ 2 về tỷ lệ mắc mới và có tỷ lệ tử vong cao nhất trong số các bệnh ung thư trên toàn cầu. Trong bài viết hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về khái niệm cùng những nguyên nhân gây ung thư phổi điển hình. Mời bạn đọc tham khảo nhé!

CẦN LÀM GÌ KHI LÊN CƠN HEN SUYỄN CẤP TẠI NHÀ?

Nếu bạn đang lên cơn hen và có những triệu chứng như trên thì bạn cần phải đến phòng cấp cứu của bệnh viện gần nhất. Không nên tự đến bệnh viện một mình, hãy đi cùng với người thân hoặc bạn bè. Nếu ở một mình, hãy gọi số điện thoại cấp cứu để được chở đến bằng xe của bệnh viện.

KỸ THUẬT SỬ DỤNG BÌNH XỊT KÈM VỚI BUỒNG HÍT

Buồng hít (hoặc buồng đệm) là gì? Buồng hít (hoặc buồng đệm) là gì?

KỸ THUẬT SỬ DỤNG BÌNH XỊT HEN SUYỄN

Bình xịt là dụng cụ dùng khá phổ biến trong điều trị bệnh hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Nguyên tắc cấu tạo của bình xịt là dùng một chất đẩy thuốc (tương tự như các dụng cụ gia đình như xịt muỗi, xịt phòng) để tạo ra luồng phun gồm những hạt nhỏ li ti sau mỗi lần bóp thuốc và đưa một liều thuốc đã định lượng vào phổi bạn.

BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH VÀ THUỐC LÁ

Tình hình hút thuốc lá trên thế giới và trong nước

SUY DINH DƯỠNG Ở BỆNH NHÂN BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH

Từ xưa đến nay, ông bà ta đã biết rằng dinh dưỡng là một trong những phương pháp cần thiết để giữ gìn sức khỏe, khắc phục bệnh tật, kéo dài tuổi thọ. Đối với những người phải chịu đựng những bệnh tật khác nhau, dinh dưỡng còn là một biện pháp hỗ trợ giúp tăng cường sức khỏe làm cho căn bệnh phục hồi nhanh chóng hơn. Còn đối với một số căn bệnh được gọi là “mãn tính” tức là kéo dài rất nhiều năm cho đến cuối đời như bệnh tiểu đường, cao huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính…, biết cách dinh dưỡng hợp lý không chỉ có tác dụng hỗ trợ mà còn được xem là một biện pháp điều trị cần thiết giúp cho người bệnh có thể “sống chung hòa bình” với căn bệnh. Đặc biệt đối với bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, điều chỉnh dinh dưỡng được xem là một trong biện pháp điều trị không dùng thuốc có vai trò quan trọng trong việc tăng cường chất lượng cuộc sống của người bệnh.    

ĐẶT LỊCH NGAY

BS Oanh

 Thứ 2, Thứ 3, Thứ 5, Thứ 6: 18 – 20g

Thứ 7: 7g30 – 9g30

 

BS Trí

Thứ 4: 18 - 20g

 

HOTLINE LIÊN HỆ: 0908 120 626