SUY DINH DƯỠNG Ở BỆNH NHÂN BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH

SUY DINH DƯỠNG Ở BỆNH NHÂN BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH
Ngày đăng: 18/10/2022 08:38 AM

Suy dinh dưỡng khá thường gặp ở bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

           Bên cạnh các rối loạn về phương diện hô hấp, người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính còn biểu hiện một số rối loạn khác như lo âu, trầm cảm, suy dinh dưỡng… Người ta nhận thấy khi bệnh càng diễn tiến đến những giai đoạn nặng thì người bệnh càng dễ bị suy dinh dưỡng hơn.

         Nguyên nhân của suy dinh dưỡng ở người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là do có sự mất cân bằng giữa cán cân cung cấp năng lượng và nhu cầu tiêu hao năng lượng, tức là sự mất cân bằng giữa cung và cầu. Ở người bình thường, luôn luôn có sự cân đối hợp lý giữa cung và cầu để giữ cho cơ thể luôn ở trạng thái ổn định, khi CẦU tăng thì CUNG cũng gia tăng để đáp ứng và ngược lại, CẦU giảm thì cơ thể cũng tự hạn chế để giảm CUNG. Ngược lại, ở người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, người ta nhận thấy có hiện tượng TĂNG CẦU mà lại GIẢM CUNG.

  • TĂNG CẦU: Người bệnh phải tiêu hao nhiều năng lượng hơn người bình thường vì phải tăng cường hoạt động hô hấp chống lại sự tắc nghẽn phế quản và tình trạng ứ khí trong lồng ngực. Khi đó, các cơ hô hấp phải hoạt động nhiều hơn, nhịp thở phải tăng nhanh hơn và vì vậy năng lượng cần thiết để thực hiện động tác hô hấp cũng phải tăng nhiều hơn. Thông thường, người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính phải hao tốn năng lượng gấp 5 – 10 lần so với người bình thường.
  • GIẢM CUNG: Mặc dù nhu cầu năng lượng hàng ngày của người bệnh phổi tác nghẽn mạn tính tăng rất cao như đã nêu ở trên, người bệnh lại ăn uống rất kém vì những nguyên nhân sau đây:
  • Tình trạng ứ khí trong lồng ngực làm cho lồng ngực căng phồng quá mức và ép vào dạ dày làm cho người bệnh rất dễ mệt khi ăn no.
  • Một số cô bác thường khó thở nhiều hơn trong khi ăn vì để thực hiện động tác nuốt, người bệnh thường phải ngưng thở trong vài ba giây. Ở người bình thường, ngưng thở ngắn khi nuốt thường không ảnh hưởng gì nhưng ở người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có thể làm cho người bệnh bị mệt khi ăn và vì vậy thường không dám ăn nhiều.
  • Người bệnh thường ăn không thấy ngon miệng do tâm lý buồn bã, lo âu về căn bệnh của mình hoặc do người bệnh có khuynh hướng ít đi lại, ít giao tiếp, ít vận động để tránh khó thở nên không có yếu tố kích thích sự thèm ăn. Một số cô bác chưa cai được thuốc lá cũng thường ăn không thấy ngon miệng.
  • Nhiều cô bác thường xuyên có tâm lý bất an, lo lắng quá mức về căn bệnh của mình lâu ngày có thể làm cho rối loạn tiêu hóa, thậm chí có thể bị loét dạ dày và cũng làm ảnh hưởng nhiều đến việc ăn uống.

          Ngoài ra, còn có những yếu tố khác về kinh tế – xã hội có thể cũng góp phần làm giảm lượng thức ăn đưa vào cơ thể như thói quen ăn uống không đúng, không hợp lý, có những quan niệm sai lầm về thực phẩm và dinh dưỡng…

          Như vậy nhu cầu tăng lên rất nhiều nhưng cung cấp không những không tăng mà lại còn bị giảm đi khiến cho cán cân năng lượng trong cơ thể bị mất quân bình nghiêm trọng và dẫn đến suy dinh dưỡng.

Suy dinh dưỡng có tác động xấu đến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

          Ngược lại, khi đã bị suy dinh dưỡng thì chính tình trạng gầy ốm – suy dinh dưỡng này cũng có tác động xấu lên bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: Suy dinh dưỡng làm cho bệnh nặng thêm vì:

  • Suy dinh dưỡng làm cho các bắp cơ toàn thân trong đó có cơ hô hấp bị mỏng đi, bị yếu đi không đảm đương nổi cử động hô hấp. Các bắp cơ hô hấp rất yếu và dễ mỏi mệt còn phải gắng sức lâu dài để đối phó với tình trạng tắc nghẽn phế quản sẽ trở nên quá tải và người bệnh sẽ khó thở nhiều hơn. Ngoài ra, để thực hiện các động tác hô hấp với các bắp cơ mỏng và yếu, cơ thể phải cần nhiều năng lượng hơn và vì vậy lại làm cho suy dinh dưỡng nhiều hơn nữa.
  • Suy dinh dưỡng thường hay kèm theo thiếu các chất khoáng cần thiết cho cơ thể như can - xi, ma - nhê, phốt – phát…Đây là các chất rất cần thiết cho  hoạt động của các bắp cơ, nếu thiếu các bắp cơ thường bị yếu và dễ mỏi mệt.
  • Suy dinh dưỡng cũng làm cho giảm sức đề kháng cơ thể và cơ thể rất dễ bị nhiễm trùng, nhất là nhiễm trùng hô hấp. Nhiễm trùng hô hấp chính là một trong những nguyên nhân thường gặp của đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, một biến chứng nguy hiểm của căn bệnh.

Phòng chống suy dinh dưỡng là một biện pháp điều trị không dùng thuốc khá quan trọng

          Như đã trình bày ở phần trên, suy dinh dưỡng rất thường gặp ở người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhất là ở các giai đoạn nặng của bệnh. Suy dinh dưỡng làm nặng thêm diễn tiến của bệnh, vì vậy phòng chống suy dinh dưỡng là điều rất cần thiết giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh. Nếu cô bác tập vận động theo hướng dẫn (Xem bài Vận động trị liệu trong BPTNMT), cô bác lại càng phải chú ý đến việc phòng chống suy dinh dưỡng nhiều hơn nữa. Cô bác nên thường xuyên theo dõi cân nặng của mình (hàng tháng) và lưu ý đi khám ngay khi nhận thấy có sụt cân kéo dài. Sử dụng thuốc giãn phế quản theo chỉ định của bác sĩ để giảm bớt sự tắc nghẽn trong phế quản là một cách để giảm CẦU. Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung các thức ăn giàu năng lượng và uống đủ nước là những nguyên tắc căn bản quan trọng giúp cho người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có đầy đủ năng lượng cần thiết đối phó với tình trạng mất quân bình cán cân năng lượng  của cơ thể.