THỂ DỤC VÀ VẬN ĐỘNG Ở BỆNH NHÂN PHỔI TẮC NGHẼN MÃN TÍNH

THỂ DỤC VÀ VẬN ĐỘNG Ở BỆNH NHÂN PHỔI TẮC NGHẼN MÃN TÍNH
Ngày đăng: 18/09/2022 11:04 AM

          Ở người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, các đường dẫn khí trong phổi không còn thông thoáng mà bị hẹp lại do có nhiều chất đàm nhớt bám vào hay có hiện tượng sưng phù do viêm nhiễm kéo dài. Các phế nang cũng bị “chai” đi, mất tính co giãn và làm cho khí bị ứ lại trong phổi khó thoát ra ngoài. Hậu quả của cả hai tình trạng trên đều làm cho phổi không lấy đủ oxy cần thiết cho nhu cầu cơ thể và người bệnh thường xuyên bị khó thở. Cảm giác khó thở là một cảm giác rất đáng sợ, thậm chí là một nổi ám ảnh thường xuyên của người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính mà có người ví von một cách hình tượng hóa như là cảm giác của người chết đuối trên cạn. Chính vì vậy, mỗi khi bị khó thở, người bệnh thường có tâm lý lo lắng, sợ hãi, thậm chí hoảng hốt và thường có khuynh hướng tránh làm những việc thường dẫn đến khó thở. Vận động, tập thể dục là những việc làm cho cơ thể đòi hỏi nhiều oxy hơn bình thường, trong khi ở người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, phổi vốn đã không lấy đủ lượng oxy cần thiết cho nhu cầu cơ thể. Cung không đáp ứng đủ cho cầu và vì vậy theo lý luận trên, vận động và tập thể dục dễ làm cho người bệnh khó thở.

Vậy người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có nên vận động và tập thể dục không?

          Theo quan niệm cũ cách đây vài thập niên, các bác sĩ thường khuyên những bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nên hạn chế vận động và thường xuyên nghỉ ngơi tại giường để tránh khó thở. Tuy nhiên, hiện nay quan niệm này không còn đúng nữa. Người ta nhận thấy hạn chế vận động để tránh khó thở sẽ dẫn đến những hậu quả xấu khác đồng thời tác động ngược trở lại làm nặng thêm tình trạng khó thở và làm thành cái vòng lẩn quẩn không thể thoát ra được.

          Khi người bệnh hạn chế vận động vì sợ rằng vận động sẽ làm khó thở, lâu ngày dẫn đến các bắp thịt bị yếu đi, mềm nhão và teo nhỏ. Các bắp thịt ở tay chân bị suy yếu làm người bệnh yếu ớt, đi lại kém, làm việc gì cũng mau mệt. Các bắp thịt của cơ hô hấp bị suy yếu làm người bệnh phải cố gắng nhiều hơn khi hít thở. Cơ thể trở nên yếu ớt, mất hết sinh lực, khi thực hiện bất cứ động tác gì cũng phải gắng sức và tiêu hao nhiều năng lượng hơn, nhiều oxy hơn. Hậu quả làm cho cơ thể cần nhiều oxy hơn nữa và khó thở nhiều hơn nữa. Ngoài ra, kém vận động còn đem lại các hậu quả xấu khác như  teo cơ, cứng khớp, loãng xương…Người bệnh sẽ gặp khó khăn ngay cả khi thực hiện các nhu cầu cá nhân, việc gì cũng phải nhờ vã, lệ thuộc người khác làm cho người bệnh thường có cảm giác bất lực, yếu đuối. Về mặt tinh thần, người bệnh kém vận động thường dễ dẫn đến trạng thái lười biếng, buồn bã, ít giao tiếp… rồi mất dần các mối quan hệ xã hội, cuối cùng là không muốn giao tiếp, tự kỷ, trầm cảm…

 Lợi ích của tập thể dục trong bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

          Từ các kết quả nghiên cứu mới nhất, các chuyên gia khuyên những bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nên thường xuyên tập thể dục. Đây chính là biện pháp hữu hiệu để cắt đứt các vòng lẩn quẩn nêu trên. Thay vì hạn chế vận động để tránh khó thở, cô bác nên tập thể dục đều đặn vừa với sức của mình để tăng cường sức bền cơ thể. Nhờ đó các bắp thịt chắc khỏe hơn, các cơ hô hấp hoạt động hiệu quả hơn, cơ thể dẻo dai hơn, lâu mệt hơn và giảm bớt nhu cầu oxy, giảm bớt cảm giác khó thở. Tập thể dục đều đặn cũng giúp cho máu lưu thông tốt và cơ thể sử dụng oxy tốt hơn, tăng cường sức đề kháng cơ thể, chống loãng xương, chống teo cơ cứng khớp…Hơn thế nữa, khi cô bác vận động tốt, cô bác sẽ cảm thấy ăn uống ngon miệng hơn, ngủ ngon hơn và nếu có dư cân hoặc béo phì, vận động cũng sẽ giúp giảm lượng mỡ dư thừa và làm cho cơ thể cân đối hơn. Vận động còn đem lại cho cô bác cảm giác tự tin, tự chủ, không lệ thuộc vào người khác, đem lại tinh thần thoải mái và có được niềm vui sống.

Tập thể dục và vận động như thế nào cho an toàn trong bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính?

         Phần lớn các cô bác bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đều rất ngại vận động vì mỗi lần vận động  thường bị khó thở. Tâm lý này hoàn toàn có thể thông cảm được bởi vì cảm giác khó thở là một cảm giác rất đáng sợ, nhất là ở những người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Tuy nhiên cô bác cũng nên hiểu rõ rằng cảm giác khó thở này không có nghĩa là tình trạng bệnh phổi của cô bác bị xấu đi khi vận động. Vận động hoàn toàn không làm hư hỏng thêm hai lá phổi của cô bác. Khó thở trong lúc luyện tập nếu có chỉ cho thấy rằng cơ thể của cô bác cần nhiều oxy hơn vào thời điểm đó mà thôi.

          Cơ thể của mỗi người chúng ta đều không hoàn toàn giống nhau, hơn thế nữa, mức độ và sự tiến triển bệnh của mỗi người cũng khác nhau. Vì vậy, chế độ tập luyện như thế nào cho phù hợp và bảo đảm an toàn cho cô bác là vấn đề cần được lưu ý. Để có thể vận động thể lực một cách an toàn và đạt được hiệu quả tốt trong việc kiểm soát căn bệnh, các cô bác nên tham gia chương trình phục hồi chức năng hô hấp dành cho bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Chương trình phục hồi chức năng hô hấp này bao gồm tập vận động với sự giám sát của nhân viên y tế, tham vấn dinh dưỡng và giáo dục sức khỏe. Chương trình này đã được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới và đem lại những kết quả tốt. Tại TPHCM, chương trình này đã được triển khai tại bệnh viện Phạm Ngọc Thạch và đang từng bước triển khai tại một số cơ sở y tế chuyên khoa khác.

Thể dục và vận động trong chương trình phục hồi chức năng hô hấp

          Chương trình phục hồi chức năng hô hấp bao gồm nhiều thành phần, trong đó thể dục và vận động giữ vai trò mấu chốt nhất. Người bệnh tham gia chương trình sẽ được hướng dẫn các bài tập vận động tay để tăng cường sức cơ chi trên, cơ hô hấp. Các bắp thịt vai, ngực và cánh tay khỏe mạnh sẽ hỗ trợ tốt cho động tác hô hấp và những động tác thường ngày như nấu nướng, quét dọn, tắm rửa, chải tóc…Các loại hình vận động tay thường dùng là nâng tạ, máy tập chi trên đa năng…

          Các bài tập vận động chân ngoài việc giúp cho các bắp cơ ở chân rắn chắc hơn còn giữ vai trò rất quan trọng trong việc giúp cải thiện chức năng tim – phổi, giúp cho cơ thể có được sức bền cần thiết, dẻo dai và người bệnh sẽ lâu mệt hơn khi phải gắng sức. Các bài tập vận động chân còn giúp cho người bệnh đi lại tốt, đem lại sự năng động và tự tin, không lệ thuộc vào người khác. Các bài tập này sẽ được xây dựng phù hợp với khả năng và thể lực của từng người và được tăng dần cường độ để đạt được hiệu quả cần thiết. Các loại hình thường được sử dụng là xe đạp lực kế, thảm lăn, đi bộ trên mặt phằng…

         Một điều rất quan trọng là các cô bác tham gia chương trình phục hồi chức năng hô hấp dành cho bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính phải thu xếp thời gian để tham gia đầy đủ và liên tục trong thời gian 8 tuần lễ, mỗi tuần ít nhất 3 buổi. Luyện tập vận động không đều đặn, không đầy đủ sẽ không đem lại những kết quả như mong muốn.

Thể dục và vận động là một phương pháp giúp tăng cường sức khỏe và tuổi thọ vốn đã được biết đến tự ngàn xưa. Trong bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, thể dục và vận động vẫn giữ nguyên giá trị nhờ mang lại sự hỗ trợ tuyệt vời giúp cho cô bác có thể kiểm soát bệnh tật tốt hơn, dễ thích nghi với căn bệnh hơn và luôn có được niềm vui sống.